Đề nghị hỗ trợ giá các mặt hàng nông sản
Hiện nay, giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh ở mức khá thấp so với giá đạt đỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể: giá cao su là 34 triệu đồng/tấn, bằng 30% so với thời điểm giá cao nhất năm 2010; giá hồ tiêu 46 ngàn đồng/kg, bằng 32% so với thời điểm giá cao nhất năm 2015.
Do cung vượt quá cầu, làm giá hồ tiêu giảm sâu
Về vấn đề này, Sở NN&PTNT lý giải: Do mặt hàng cao su là nguyên liệu xuất khẩu công nghiệp nên bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ mủ cao su thiên nhiên giảm làm cung vượt cầu, dẫn đến giá mủ giảm sâu. Giá hồ tiêu có thời gian dài đạt ở mức cao, là do trước năm 2015 hồ tiêu trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hạn hán và dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung thấp, đã kích thích tăng nhanh diện tích, sản lượng hồ tiêu; đến nay thị trường hồ tiêu thế giới đã ổn định trở lại nên cung vượt quá cầu, làm giá giảm sâu.
Trở lời kiến nghị của cử tri xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh về việc đề nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh xem xét hỗ trợ giá đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh để giảm bớt khó khăn cho người dân, Sở NN&PTNT cho biết: Ngành đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng tháo gỡ khó khăn cho Bình Phước. Trước mắt, để đảm bảo cuộc sống trước tình hình giá nông sản thấp như hiện nay, Sở NN&PTNT khuyến nghị bà con nông dân cần chủ động trong việc tiếp tục chăm sóc vườn cây nhằm tăng năng suất, chất lượng, bù lại giá thấp để giảm bớt thiệt hại.
Đối với diện tích cây trồng tự phát tại thời điểm giá cao không phù hợp với thổ nhưỡng, bà con nên giảm bớt và chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn như: Cây ăn trái, hoa màu... Việc hỗ trợ của nhà nước chỉ áp dụng khi cây trồng bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tại, dịch bệnh.
Cần định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý
Cử tri xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đề nghị các ngành chức năng định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, tránh cung vượt cầu và đề nghị tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giống cây trồng hiện nay trên thị trường.
Một góc khu vực trồng cao su, hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lâm Á Rịa.
Về vấn đề này, Sở NN&PTNT trả lời: Trên cơ sở Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1384/QĐ-BNN ngày 18/6/2013 của Bộ NN&PTNT, năm 2015, tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2537/QĐ- UBND về ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020. Theo đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.
Để định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, với vai trò cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã và đang tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Các quy hoạch dựa trên cơ sở đánh giá lợi thế của từng loại đất đai, khí hậu...; khuyến cáo người dân sử dụng giống cây, con giống cho phù hợp giúp sản xuất nông nghiệp ổn định, phát triển bền vững. Sở NN&PTNT đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thực hiện theo Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, Sở NN&PTNT sẽ công bố và triển khai quy hoạch, là cơ sở để định hướng trồng, sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hàng năm theo mùa vụ, ngành NN&PTNT tỉnh đều ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo sản xuất, trong đó đã khuyến cáo về các bộ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mùa vụ, vùng miền... Hiện nay chỉ có cây tiêu là vượt quy hoạch với diện tích 16.987ha, do những năm trước đây giá tiêu cao nên người dân đổ xô trồng, Sở NN&PTNT đã có văn bản khuyến cáo người dân không tăng diện tích trồng tiêu khi cung đã vượt cầu, dự kiến đến năm 2020 giảm xuống còn 14.500ha, hơn 2.000ha sẽ chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng và sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Để sản xuất nông nghiệp ổn định, phát triển bền vững, bà con nông dân phải căn cứ trên hai điều kiện cơ bản là phù hợp với quy hoạch của ngành và sản phẩm phải có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Do đó, ngành NN&PTNT cũng đề nghị và mong muốn khi đã xác định đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, người dân nên liên hệ với các cơ quan chuyên môn đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hoặc trực tiếp Sở NN&PTNT để được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể.
Về đề nghị tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng, Sở NN&PTNT cho biết: Trong năm 2018, Sở đã lập 5 đoàn thanh tra điều kiện sản xuất, kinh doanh và sản xuất phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh; tiến hành thanh tra, kiểm tra 371 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc BVTV. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý 13 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV vi phạm về nhãn hàng hóa với số tiền xử phạt 25,65 triệu đồng; phát hiện và xử phạt 9 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV hết hạn sử dụng với số tiền phạt 32,5 triệu đồng, buộc cơ sở kinh doanh trả lại toàn bộ số lượng phân bón và thuốc BVTV hết hạn sử dụng cho công ty sản xuất để tái chế hoặc tiêu hủy theo quy định.
Bên cạnh đó, đoàn tiến hành lấy 50 mẫu phân bón, thuốc BVTV để kiểm nghiệm, phát hiện 28 mẫu phân bón có hàm lượng phân tích thấp hơn so với quy định, không đảm bảo chất lượng, hàng làm giả cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt 465,135 triệu đồng; buộc cơ sở sản xuất, kinh doanh trả thu hồi hàng vi phạm. Năm 2019, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-SNN ngày 11/6/2019 thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh và chuẩn bị tiến hành thanh tra, kiểm tra./.