Thời gian tiếp nhận bài: Từ ngày phát động đến ngày 21/6/2021 (tính theo dấu bưu điện). Lễ Tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2021 tại Hà Nội.
Giải được tổ chức nhằm phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (TNLP); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống TNLP.
Tác phẩm tham dự giải cần đáp ứng các nội dung sau: Phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống TNLP; phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi TNLP; phản ánh vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống TNLP, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống TNLP và xây dựng đạo đức liêm chính. Ghi nhận, biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với TNLP; bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống TNLP. Phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng của công tác đấu tranh phòng, chống TNLP trên cả nước trong thời gian tới.
Phản ánh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống TNLP; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý TNLP; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch. Đề xuất những giải pháp, ý kiến tốt có hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống TNLP và việc tổ chức thực hiện.
Các loại hình báo chí tham dự giải gồm: báo in, báo điện tử, báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình). Các thể loại: bài nghiên cứu, phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, phóng sự, phóng sự ngắn (phát thanh - truyền hình), phim tài liệu, bản tin, chuyên đề, chuyên mục, tọa đàm, điều tra, bút ký báo chí, bình luận, chuyên luận (không nhận các video, clip trên báo điện tử). Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục, định hướng dư luận cao.
Tác phẩm dự giải phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 15/8/2019 đến ngày 21/6/2021. Những tác phẩm đã tham dự các cuộc thi khác ở Trung ương và địa phương vẫn được quyền dự giải, nhưng tác giả phải ghi rõ mức giải đã đoạt, đơn vị tổ chức, thời gian tổ chức giải. Không nhận các tác phẩm đã đoạt giải tại Giải Báo chí Quốc gia và Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng).
Tác phẩm tham dự phải được thể hiện bằng tiếng Việt. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về bản quyền tác giả.
Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí, kiều bào ta ở nước ngoài có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên, được đăng, phát trong thời gian nêu trên trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều có thể gửi dự giải.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 05 tác phẩm, phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Số tác giả tối đa một nhóm không quá 07 người.
Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại liên hệ: 024.39287401 và 098.5802.555 (ông Vũ Đình Long, Phó Trưởng ban).
- Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: Số 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội; điện thoại liên hệ: 024.39351071 và 097 262 8386 (ông Trần Bá Dung, Trưởng ban).
Ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm dự Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 3, năm 2020-2021. Tác phẩm cần ghi rõ bút danh (nếu có), địa chỉ, điện thoại, email... của tác giả.
Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải A, B, C và khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó, giải A mỗi giải 50 triệu đồng; giải B mỗi giải 30 triệu đồng; giải C mỗi giải 20 triệu; giải khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng./.