Chặng đường lịch sử vẻ vang và đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam

Thứ sáu - 30/10/2020 16:40
(CTTĐTBP) - Những chặng đường lịch sử vẻ vang và đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam gồm: Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930 - 1945); Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1946 - 1975); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930 -1945)

1. Hội Phản đế Đồng minh (11/1930 - 3/1935)

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ khi thành lập đến tháng 3/1935, Hội Phản đế Đồng minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Hội Phản đế Liên minh (3/1935 - 10/1936)

Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất của Đảng thông qua Nghị quyết về công tác Phản đế Liên minh. Nghị quyết xác định các nhiệm vụ cần thiết trước mắt: lập tức tổ chức ra các Hội Phản đế Liên minh, đảng viên phải vào Hội, mở rộng tổ chức Hội tới cấp toàn Đông Dương, lôi kéo rộng rãi các tổ chức, cá nhân có tính chất phản đế phải liên kết cuộc vận động Phản đế Liên minh vốn có những khẩu hiệu chung tuyên truyền lớn lao với các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày. Phải ra báo và tài liệu riêng cho Phản đế Liên minh; cần sửa đổi những sai sót về tôn chỉ, điều lệ, các hình thức tổ chức Phản đế Liên minh của các đảng bộ.

3. Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938)

Những năm 1936 - 1939, tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, phức tạp. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 trở về, Đoàn đại biểu Đảng ta cùng với Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị (tháng 11/1936) xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày”, đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương tập hợp các lực lượng toàn Đông Dương vào cuộc đấu tranh chống đế quốc.

4. Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940)

Để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1938 quyết định đổi tên thành Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nhờ có chính sách Mặt trận đúng đắn, có phương pháp vận động khôn khéo, phương pháp đấu tranh linh hoạt nên Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội như công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ tư sản nhỏ, đồng thời còn bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình.

5. Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (11/1940 - 5/1941)

Ngày 01/9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tháng 9/1940 phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp thoả hiệp với phát xít Nhật, thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của Nhân dân ta. Tháng 11/1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế, nhằm tập hợp hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương đánh đổ đế quốc Pháp - phát xít Nhật và bè lũ tay sai phản lại quyền lợi dân tộc. Nhờ những chủ trương đúng đắn đó, các tổ chức phản đế nhanh chóng được phát triển, Mặt trận được mở rộng trong các tầng lớp Nhân dân.

6. Mặt trận Việt Minh (thành lập từ tháng 5/1941)

Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28/01/1941 Nguyễn Ái Quốc về nước (sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài). Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị nhận định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc giải phóng, trước mắt tạm gác khẩu hiệu “cách mạng thổ địa” để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp, Nhật nhằm giải quyết nhiệm vụ sống còn của dân tộc lúc này là giải phóng dân tộc. Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp Nhân dân.

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc Thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Ngày 07/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa. Tháng 10/1944, Bác Hồ có thư kêu gọi đồng bào ra sức chuẩn bị để họp toàn quốc Đại hội, đại biểu cho tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể trong nước để bầu cử ra “Một cơ cấu đủ lực lượng và uy tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

Ngày 22/12/1944, Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 09/3/1945, Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị đó, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập. Tình hình chuyến biến mau lẹ, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong 2 ngày (16 -17/8/1945) đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. “Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Ủy ban Nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

(còn tiếp...)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,305
  • Hôm nay329,151
  • Tháng hiện tại18,151,487
  • Tổng lượt truy cập478,044,174
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây