Triển khai thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; các doanh nghiệp nhà nước tổ chức phổ biến các nội dung của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế hiện có; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của tổ chức pháp chế và các biện pháp, giải pháp cụ thể về chế độ, điều kiện đảm bảo cho điều kiện hoạt động của tổ chức pháp chế theo quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp thực hiện rà soát, xét chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh sang ngạch pháp chế viên tương ứng theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 56/2024/NĐ-CP có hiệu lực.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiệu quả tạo sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP tại các cơ quan, đơn vị và kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Triển khai thực hiện Nghị định số 59/2024/NĐ-CP
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xác định công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quyết liệt thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về nâng cao chất lượng, thời hạn trình văn bản quy phạm pháp luật. Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, đầy đủ, động bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị định số 59/2024/NĐ-CP. Đặc biệt các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, thực hiện đúng quy định mới về đánh giá tác động của chính sách; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong việc rà soát, xác định nội dung giao quy định chi tiết; tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gửi Sở Tư pháp thẩm định./.