(CTTĐTBP) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động: kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Thông tư không áp dụng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Địa điểm thực hiện kiểm định, đối tượng miễn kiểm định lần đầu
Điều 4 Thông tư quy định việc kiểm định, miễn kiểm định lần đầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được thực hiện ở bất kỳ cơ sở đăng kiểm nào trên phạm vi cả nước. Địa điểm kiểm định được thực hiện tại cơ sở đăng kiểm hoặc ngoài cơ sở đăng kiểm; trường hợp kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm thì phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Đối tượng miễn kiểm định lần đầu là xe chưa qua sử dụng có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định dưới 02 năm (năm sản xuất cộng 01 năm) và không bao gồm: xe đã cải tạo; xe không có trong cơ sở dữ liệu xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá xe cơ giới
Điều 10 Thông tư nêu rõ, việc kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới phải được thực hiện đầy đủ các hạng mục quy định tại Quy chuẩn về kiểm định xe cơ giới và thực hiện theo 05 công đoạn sau:
Công đoạn 1: kiểm tra nhận dạng, tổng quát.
Công đoạn 2: kiểm tra phần trên của phương tiện.
Công đoạn 3: kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang.
Công đoạn 4: kiểm tra môi trường.
Công đoạn 5: kiểm tra phần dưới của phương tiện.
Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng
Điều 17 Thông tư quy định thời hạn hiệu lực tem kiểm định được cấp theo chu kỳ kiểm định nhưng không vượt quá ngày hết hạn của chứng nhận đăng ký xe hoặc đến hết ngày 31/12 của năm hết niên hạn sử dụng của xe.
Cơ sở đăng kiểm in giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định trên phần mềm quản lý kiểm định phù hợp với các loại phương tiện, cụ thể giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định màu xanh lá cây dùng cho xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường theo mẫu:
Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định màu vàng cam dùng cho các xe cơ giới khác theo mẫu:
Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định màu tím hồng dùng cho xe máy chuyên dùng theo mẫu:
Tem kiểm định được dán trên xe như sau:
Đối với các loại xe (gồm các loại ô tô, xe chở người bốn bánh, xe chở hàng bốn bánh và một số loại xe máy chuyên dùng) có khoang điều khiển (ca bin) và trang bị kính chắn gió phía trước: vị trí dán tem kiểm định tại góc phía trên, bên phải (theo chiều tiến của xe), ở mặt trong của kính chắn gió phía trước; mặt trước của tem hướng ra ngoài.
Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc và các loại xe máy chuyên dùng không thuộc điểm a khoản này thì thực hiện: trang bị lớp bảo vệ tem kiểm định trong quá trình sử dụng, mặt trước phải được bảo vệ bằng vật liệu trong suốt để quan sát được nội dung, dán (hoặc gắn) lên xe tại các vị trí dễ quan sát, hạn chế được các tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới độ bền của tem kiểm định trong quá trình xe di chuyển, mặt trước của tem kiểm định hướng ra ngoài.
Tem kiểm định được nhân viên của cơ sở đăng kiểm dán trong trường hợp xe được kiểm định tại cơ sở đăng kiểm; chủ xe tự dán trong trường hợp xe thuộc đối tượng được miễn kiểm định lần đầu hoặc được kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm hoặc được cấp lại.
Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025./.