Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, đào tạo đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản

Thứ tư - 31/01/2024 16:24
(CTTĐTBP) - Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản.

Tiêu chuẩn đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản

Về trình độ chuyên môn, đào tạo, nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên.

Tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản. Có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Chức năng đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản

Đối với nhân viên y tế thôn, bản: hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản.

Đối với cô đỡ thôn, bản: hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.

Nhiệm vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản


Nhân viên y tế thôn, bản có nhiệm vụ tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động y tế tại thôn, bản; tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại thôn, bản.

Trong đó, đối với người dân tại thôn, bản, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, thực hiện sơ cứu ban đầu khi cấp cứu và tai nạn; tham gia chuyển tuyến với các trường hợp cấp cứu. Xử trí ban đầu, chăm sóc một số triệu chứng và bệnh thông thường tại cộng đồng và chuyển đến cơ sở y tế khi cần: ho, sốt, ngạt mũi, đau đầu, đau bụng, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, cảm cúm, sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm da dị ứng, dị ứng nổi mề đay, sởi, quai bị, chân-tay-miệng và một số bệnh thông thường khác nếu có theo đặc điểm của từng địa phương. Hướng dẫn, tư vấn một số biện pháp chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng...

Cô đỡ thôn, bản tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các hoạt động y tế tại thôn, bản. Bên cạnh đó, tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại thôn, bản, trong đó đối với người dân tại thôn, bản, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, thực hiện sơ cứu ban đầu khi cấp cứu và tai nạn; tham gia chuyển tuyến với các trường hợp cấp cứu.

Đối với bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản, phát hiện thai nghén sớm, khám thai; lập phiếu theo dõi thai sản, tư vấn, vận động các phụ nữ mang thai đi khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ và đến đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quản lý thai nghén, phát hiện những trường hợp thai có nguy cơ cao, xử trí ban đầu và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời. Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi trong chuyển dạ, xử trí ban đầu, thông báo trạm y tế xã hỗ trợ, huy động người nhà/người dân tại cộng đồng chuyển bà mẹ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời. Xử trí ban đầu các tai biến trong trường hợp đẻ rơi không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ và hỗ trợ chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời...

Thông tư số 27/2023/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024. Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản đang làm việc từ trước ngày 01/01/2024 được tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư này./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,005
  • Hôm nay616,280
  • Tháng hiện tại19,792,786
  • Tổng lượt truy cập479,685,473
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây