(CTTĐTBP) - Ngày 27/6, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2023/QĐ-UBND về ban hành quy định nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo đó, nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp); Hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Các nội dung không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT ngày 11/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đối tượng áp dụng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp) và tiểu dự án 1 dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Mức hỗ trợ dự án phát triển sản xuất nông nghiệp và dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng:
Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Chi hỗ trợ tối đa 80% tổng chi phí thực hiện dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện không quá 05 tỷ đồng/dự án, kế hoạch liên kết.
Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: Chi hỗ trợ tối đa 95% tổng chi phí thực hiện 01 dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng chi phí thực hiện 01 dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện 01 dự án trên địa bàn khác. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện không quá 03 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ: Hỗ trợ kinh phí thực hiện 01 dự án không quá 03 tỷ đồng.
Mức hỗ trợ từng đối tượng và hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho từng dự án, đối tượng liên kết theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết trên cơ sở quy mô sản xuất thực tế và định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng không quá 03 vụ hoặc không quá 03 chu kỳ sản xuất.
Mức hỗ trợ tập huấn, tư vấn về quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/7/2023./.