(CTTĐTBP) - Cục cảnh sát giao thông (CSGT) vừa ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề: “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Thời gian thực hiện Kế hoạch từ ngày 01/3 đến ngày 14/12/2023.
Việc triển khai chuyên đề này nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đánh giá đúng thực trạng người điều khiển phương tiện giao thông, phương tiện thủy nội địa sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác nhằm đưa ra biện pháp quản lý, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề này phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có tác dụng răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người dân khi tham gia giao thông; đồng thời phát hiện những tồn tại, bất cập và kiến nghị các biện pháp trong công tác quản lý, đào tạo người lái xe.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Phước kiểm tra nồng độ cồn trên Quốc lộ 14. Ảnh: Quang Minh
Thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động
Theo kế hoạch này, trên tuyến đường bộ các đơn vị CSGT được giao làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện có thể phối hợp lực lượng cảnh sát khác, hoặc công an cơ sở để thành lập tổ chuyên đề thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch trên tuyến, địa bàn được giao. Thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các địa bàn giáp ranh.
Khi phát hiện vi phạm, phải xử lý nghiêm, không được bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối phải xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải phối hợp với công an cơ sở củng cố tài liệu, hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Nếu không đủ điều kiện xử lý hình sự phải xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy.
Trong quá trình xử lý vi phạm, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, phải thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định. Thông qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại... Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Trên tuyến đường sắt, lực lượng CSGT được giao làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi cũng căn cứ tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện (có thể phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác hoặc Công an cơ sở) thành lập tổ chuyên đề để thực hiện việc xử lý vi phạm theo Kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao. Căn cứ tình hình thực tiễn và phân công tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Cũng theo kế hoạch này, ngoài công tác tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tham gia giao thông, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Tuyên truyền những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng chất ma túy, rượu bia và chất kích thích khác; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với vi phạm này; tạo dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông.
Thường xuyên tuyên truyền, phản ánh tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa của lực lượng CSGT; việc kiểm tra nồng độ cồn và ma túy của lực lượng CSGT luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế. Tuyên truyền mạnh mẽ đến các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường biện pháp quản lý lái xe của doanh nghiệp, kiên quyết không sử dụng lái xe, lái tàu có chất ma túy; phải kiểm tra việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác trước khi giao phương tiện cho người lái. Tổ chức tuyên truyền cho thuyền viên, người điều khiển phương tiện, công nhân viên đường sắt yêu cầu các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết... Kiến nghị ngành giáo dục, ngành đường sắt quản lý học sinh, sinh viên, không để học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy, rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phương tiện thủy nội địa…