Địa điểm du lịch về nguồn: Nhà Giao tế, Căn cứ Tà Thiết

Thứ bảy - 04/11/2017 12:05 13714
(CTTĐTBP) - Nhà Giao tế, Căn cứ Tà Thiết là hai di tích lịch sử quốc gia thuộc huyện Lộc Ninh, nay trở thành những điểm tham quan, du lịch về nguồn hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách đến tỉnh Bình Phước.
Nhà Giao tế Lộc Ninh

Nhà Giao tế (trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tọa lạc tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, cách thị xã Đồng Xoài hơn 70 km; là di tích lịch sử quốc gia thuộc thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh.  
 
Nhagiaote1
Phía trước cửa Nhà Giao tế hiện nay.
 
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1911, là văn phòng làm việc của Công ty cao su Xét-Xô (Pháp) nhằm quản lý việc khai thác mủ cao su trên địa bàn Lộc Ninh. Nhà được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhân dân trong vùng còn quen gọi là nhà “Cao Cẳng”.

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng (sự kiện này không chỉ làm nức lòng quân và dân huyện Lộc Ninh, mà còn là đòn bẩy tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước) và Nhà Giao tế trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
 
Nhagiaote2
Hiện vật máy bay trưng bày trong khuôn viên Nhà Giao tế.
 
Tháng 3/1973, nhằm đáp ứng nhu cầu đấu tranh của cách mạng miền Nam trên mặt trận ngoại giao, ngôi nhà được xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, kết hợp bản sắc dân tộc và lối kiến trúc hiện đại (nhà sàn một trệt, một lầu) trên nền móng cũ và tên gọi “Nhà Giao tế” ra đời từ đó.

Tầng trên là nơi hội họp, tầng dưới là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân và quan khách. Tầng trên và tầng dưới được treo cùng một lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đây đã diễn ra hội nghị quân sự bốn bên (phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa) bàn về các điều khoản đã được ký trong Hiệp định Pari năm 1973 nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. 
 
nhagiaote0
Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại phòng trưng bày bảo tàng thuộc khu di tích Nhà Giao tế.

Ngày 12/12/1986, Nhà Giao tế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, là một trong 5 di tích lịch sử quốc gia trên đoạn cuối đường Hồ Chí Minh và là một trong 9 di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh Bình Phước. Năm 2008, di tích hư hỏng xuống cấp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã phải duy tu, sửa chữa lại.

Hiện nay, nơi đây còn có nhà bảo tàng tỉnh - nơi lưu giữ hiện vật gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của các dân tộc, giúp du khách hiểu hơn những năm tháng đấu tranh hào hùng của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân tỉnh Bình Phước nói riêng. Nhà Giao tế là nơi tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử có giá trị, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Căn cứ Tà Thiết

Căn cứ Tà Thiết là khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, có diện tích 3.500 ha. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đóng tại Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam. 
Tà thiết
Khu vực nhà đón tiếp khách.
 
Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ Chỉ huy miền đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu  - Tây  Ninh  được  dời về khu vực Tà Thiết. Đây là trung tâm đầu não được mệnh danh là “khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2.

Căn cứ được xây dựng quy mô lớn, hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
 
ta thiet2
Tượng đài Tổ quốc ghi công tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
 
Vào tháng 3/1973, tại đây đã diễn ra Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ III; tháng 9/1973, diễn ra Hội nghị quân chính toàn Miền; tháng 10/1973, diễn ra Hội nghị quán triệt học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng cho cán bộ cấp cao của Miền và các tỉnh; ngày 3/4/1975, tại đây, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung  ương Cục miền Nam đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn; ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết) là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 20/4/1995, di tích Tà Thiết được phục hồi lại nguyên trạng, gồm các hạng mục: Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Hầm chữ A, Hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng…
 
Ta thiet3
Khu tưởng niệm.

Từ năm 1997 đến nay, di tích đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa khang trang, gồm các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ chính, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cổng chào, khu quảng trường và hàng rào bảo vệ...; trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích quốc gia đặc biệt.

Khu căn cứ Tà Thiết là địa chỉ đỏ cách mạng nhằm giới thiệu truyền thống đấu tranh, nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị lịch sử cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung./.

Tác giả bài viết: Thanh Phương (t/h)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập725
  • Hôm nay3,224
  • Tháng hiện tại290,951
  • Tổng lượt truy cập407,032,805
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây