Để tưởng nhớ các anh linh liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại chiến trường Bà Rá - Phước Long, những người đồng đội đã vận động xây dựng và khánh thành văn bia tưởng niệm.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Luật; đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, thân nhân các liệt sĩ và những người đã từng chiến đấu tại chiến trường núi Bà Rá đã tham dự lễ kỷ niệm.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Thỏa - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá - Phước Long, là một trong 4 nhân chứng lịch sử còn sống của K11 đã ôn lại quá trình hình thành Đội biệt động K11 và quá trình chiến đấu gian nan, ác liệt và đầy hy sinh, mất mát của những chiến sĩ biệt động trong những năm tháng chiến tranh.
Trong chiến tranh, Đội biệt động K11 tương đương cấp huyện, K11 được phân công địa bàn các chi khu Phước Bình và thị xã Phước Long. Việc thành lập K lúc bấy giờ là thực hiện chủ trương của Đảng “phải gần dân, sát dân”, nắm bắt tình hình xây dựng thực lực cách mạng tại chỗ, chuẩn bị tiến công trên cả 3 vùng chiến lược một cách tích cực, chủ động và lâu dài. Để lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quân sự, chính trị và binh vận tại chỗ, Ban Thường vụ tỉnh Phước Long (cũ) quyết định thành lập cấp ủy K11 với 11 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ có 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Tấn Lực (Tám Lực) là Bí thư K ủy. K11 là một trong những K ủy có mặt hoạt động thường xuyên với 2 đội công tác là đội Bù Nho - Bửu Hiệp và Đội biệt động Bà Rá.
Tặng quà và giấy khen cho 31 gia đình có công đóng góp cho cách mạng.
Đội biệt động Bà Rá là đội được tổ chức biên chế và hoạt động liên tục trên núi Bà Rá từ năm 1965 đến ngày 6/1/1975. Khác với các đội công tác khác, Đội biệt động Bà Rá được thành lập năm 1965 với nhiệm vụ bám trụ trên núi Bà Rá. Đội thực hiện 3 mũi giáp công ngay trên địa bàn, nhưng phải xây dựng được lực lượng chính trị tại chỗ. Là đơn vị hoạt động có tính chất đặc biệt, nên Tỉnh ủy Phước Long quyết định thành lập tiêu chuẩn chế độ phụ cấp gấp 2 lần so với các đơn vị khác. Quân số được bố trí nhiều hơn và thường xuyên có sự tăng cường, bổ sung. Vũ khí, khí tài, trang thiết bị được trang bị tương đối mạnh so với các đơn vị khác như: cối 60, B40, AK47, carbin tự động, nhiều mìn trái, đạn dược..., đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo đội.
Trong quá trình bám trụ, chiến đấu đầy gian khổ, tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn về con người lẫn khí tài. Nhưng với sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào người dân tộc thiểu số tại chỗ, lực lượng cách mạng đã bám trụ và chiến đấu kiên cường khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Trong quá trình hoạt động, có 4 đồng chí đã anh dung hy sinh trong quá trình chiến đấu. Đội biệt động đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của Phước Long ngày ấy, hiện chỉ còn 4 đồng chí là nhân chứng sống của lịch sử.
Cũng tại buổi lễ, ban tổ chức đã tặng quà và giấy khen cho 31 gia đình có công lao đóng góp cho cách mạng; những gia đình đã tham gia hoạt động cách mạng, có công cưu mang, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Đội K11 và Đội biệt động Bà Rá - Phước Long./.
Hải Thanh