NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2016

Thứ năm - 12/10/2017 10:51
NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2016
“Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”

Mục tiêu 90-90-90

Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia tháng 7 năm 2014, Liên Hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hợp quốc.

Các mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 bởi vì:

- 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình: Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa nếu chúng ta không biết được thì không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho họ. Không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.

- 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV: Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và đúng sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác: Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.

Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Tại sao năm 2016, Việt Nam lại tiếp tục chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”?

Năm 2014, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đã đề ra. Như đã đề cập ở trên, mỗi mục tiêu là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình như vậy công tác giám sát và xét nghiệm của chúng ta đã được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định tức là tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân. Như vậy, nếu chúng ta đạt được 3 mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên Hợp quốc đề ra.

Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu này. Mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS như 8 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp quốc đề ra. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì Việt Nam đã đạt được khoảng gần 80%. Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì còn khá xa so với mục tiêu của Liên hợp quốc và mới chỉ  đạt khoảng gần 50%. Với mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định, Việt Nam hiện đang mở rộng xét nghiệm tải lượng vi rút theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới tiến tới như là xét nghiệm thường quy. Điều này đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới. Đây là những mục tiêu hết sức tham vọng và rất thách thức nhất là trong giai đoạn tới khi nguồn lực viện trợ quốc tế cho Việt Nam giảm nhanh nhưng đây là những mục tiêu quan trọng. Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

 KHẨU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2016

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2016!

2. Hãy hành động vì “Mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”!

3. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!

4. Tiếp cận sớm các dịch vụ điều trị HIV/AIDS là quyền lợi của người nhiễm HIV!

5. Tham gia bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng chi phí điều trị!

6. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời!

7. Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là góp phần phòng, chống HIV/AIDS!

8. Hãy chia sẻ và chăm sóc người nhiễm HIV để giúp họ tiếp tục sống khỏe, sống có ích!

9. Phụ nữ mang thai cần tư vấn và xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

10. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!

11. Hãy dùng riêng bơm kim tiêm sạch để phòng tránh lây nhiễm HIV!

12. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và gia đình!

13. Phòng, chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn!

14. Người nghiện ma túy hãy đến các cơ sở điều trị Methadone để được khám và điều trị!

15. Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!

16. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016!

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5,237
  • Hôm nay215,561
  • Tháng hiện tại6,116,096
  • Tổng lượt truy cập466,008,783
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây