Đến dự và chỉ đạo đại hội có đại diện lãnh đạo Phòng Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước, đại diện lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, lãnh đạo UBND các xã: Thọ Sơn, Phú Sơn, Phước Sơn, Đồng Nai và UBND Thị Trấn Đức Phong cùng đại diện thành viên Qũy tín dụng nhân dân Bù Đăng.
Đại hội đã được nghe Đoàn chủ tịch báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2024, phương hướng nhiệm vụ kinh doanh năm 2025 của Ban điều hành; Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị; Báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát; Báo cáo công khai tài chính - kế toán và dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2024; danh sách đăng ký thành viên mới từ ngày 03/4/2024 đến 15/01/2025 gồm 51 thành viên; danh sách thành viên rút vốn góp gồm 25 thành viên.
Đại biểu và thành viên tham dự Đại hội
Năm 2024 mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức nhưng với sự quan tâm sâu sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước, của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, chính quyền địa phương và tinh thần trách nhiệm của Hội đồng quản trị cùng với sự đồng lòng của ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên Quỹ tín dụng đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Năm 2024, vốn huy động tiền gửi đạt 74 tỷ đồng, tăng 9,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận tăng 130% so với năm 2023; sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại hội đồng quản trị dự kiến lãi chia 11,6%/năm với 2 mức: dưới 10 triệu đồng lãi suất là 3,0%/năm, từ 10 triệu đồng trở lên lãi suất là 11,6%/năm, số tiền lãi nếu không chia hết sẽ bổ sung quỹ khen thưởng.
Đại hội đã đề ra một số chỉ tiêu tài chính cho năm 2025 như: Tổng nguồn vốn tăng trưởng 8% - 10%; huy động tăng trưởng từ 10% - 12%; dư nợ cho vay tăng trưởng từ 10% - 15%; nợ xấu < 3%; tổng quỹ tiền lương tối đa bằng 19% doanh thu không bao gồm lương ngoài giờ, các khoản hỗ trợ, phụ cấp theo lương, thưởng; lợi nhuận chia lãi vốn góp theo kết quả kinh doanh thực tế tỷ lệ từ 10% - 15%.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu cho năm 2025, hội đồng quản trị đã đề ra một số giải pháp cụ thể: đẩy mạnh huy động vốn với nhiều giải pháp, đa dạng các hình thức gửi tiền truyền thống kết hợp với các sản phẩm huy động mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đưa chỉ tiêu huy động vốn vào chỉ tiêu thi đua; tập trung nâng cao chất lượng thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh; thực hiện cho vay dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh; chủ động phân tích đánh giá chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; đề cao trách nhiệm của cán bộ trong kiểm tra quản lý chất lượng tín dụng, đưa chỉ tiêu tín dụng vào đánh giá thi đua gắn với khoán lao động. Đồng thời thực hiện đúng theo các thông tư, quyết định của Ngân hàng Nhà nước về mọi hoạt động thuộc lĩnh vực ngân hàng.