Thủ tướng: 3 cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài

Thứ hai - 16/10/2023 14:29
(CTTĐTBP) - Sáng 16/10, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
 
img5250 16974358060911909266990
Thủ tướng đề nghị các bên phát huy tinh thần "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cân đong đo đếm được"... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là hoạt động tiếp theo sau Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài" được tổ chức vào tháng 4/2023, khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài; thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện 15 hiệp hội, 180 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận sôi nổi tại Hội nghị, 19 đại biểu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động…

Các hiệp hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cam kết cùng Việt Nam thúc đẩy đầu tư kinh doanh theo các ưu tiên của Việt Nam như phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển xanh, bền vững, chống biến đổi khí hậu. Các đại biểu hiến kế để thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đề xuất các giải pháp nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hợp tác phát triển và chia sẻ kế hoạch đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.

 

img5247 16974358060001812581106
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với nhà đầu tư

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các bên cùng quan tâm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; giao Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nhà đầu tư về 3 vấn đề:

Thứ nhất, đã vượt qua khoảng cách về địa lý để đến tới Việt Nam.

Thứ hai, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội và thời cơ để luôn đồng hành, chia sẻ, cùng Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng vẫn cam kết tới Việt Nam và mở rộng đầu tư thời gian tới.

img5189 1 16974358066351094370073
Tham dự Hội nghị có đại diện 15 hiệp hội, 180 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư:

Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Xây dựng hệ sinh thái đầu tư kinh doanh lành mạnh, ổn định, bền vững

Về các câu hỏi của các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, Thủ tướng khái quát lại và nhấn mạnh, bổ sung thêm một số nội dung về các yếu tố nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam triển khai 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ hai, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không": (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
 

img5202 16974358065221777557641
img5190 1 1697435806576924098319
img5229 1 169743580632724566961
img5207 1697435806431552112396
img5203 16974358064762050088184
img5209 1697435806379801365613
Các hiệp hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cam kết cùng Việt Nam thúc đẩy đầu tư kinh doanh theo các ưu tiên của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP).

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ đó giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ sáu, bám sát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực để phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả với các nhà đầu tư.

Thứ bảy, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Thứ tám, Việt Nam sẽ tiếp tục là hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để phát triển sau chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, hơn 30 đối tác có quan hệ từ đối tác toàn diện trở lên, có quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thứ chín, triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm như tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng cho biết vừa qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt. Đây cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

img5236 16974358062871080147235
img5237 16974358062491791674772
img5239 1 1697435806207843520378
img5242 16974358061591778097215
Đại diện các bộ, ngành phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ và thông cảm với các nhà đầu tư về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng, tác động lớn tới bên trong.

Thủ tướng nhấn mạnh: Những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động.

"Mong các nhà đầu tư luôn yêu quý Việt Nam như quê hương"

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển".

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.

Thứ ba, tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…

Thứ tư, nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
 

img5252 169743632456321839458
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư ngoài Nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ sáu, tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho biết, các quy hoạch này được xây dựng và ban hành với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Các quy hoạch này tạo tiền đề, tạo không gian phát triển cho các nhà đầu tư và chiến lược phù hợp của nhà đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện các quy hoạch này.

Cùng với đó, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, vì lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đóng góp cho Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng, đóng góp vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.

Thủ tướng mong muốn các hiệp hội cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định mong muốn và tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, "luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình".

Thủ tướng đề nghị các bên phát huy tinh thần "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cân đong đo đếm được", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tất cả cùng chiến thắng, không có ai bị bỏ lại phía sau./.
 

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập886
  • Hôm nay578,971
  • Tháng hiện tại6,294,834
  • Tổng lượt truy cập490,158,272
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây