Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 25/01/2024 08:38
(CTTĐTBP) - Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận lao động của Hàn Quốc để quảng cáo, tuyển chọn lao động trái quy định đi làm việc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm… theo thị thực E9-5.
Ngày 23/1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đã thông tin cảnh báo về việc xuất hiện một số cá nhân, tổ chức tuyển chọn lao động trái quy định sang làm việc tại Hàn Quốc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, cuối tháng 12/2023, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc quyết định mở rộng thí điểm, cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài thị thực E-9 vào làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê. Ngành nghề dự kiến triển khai gồm: Nhân viên dọn dẹp vệ sinh và nhân viên phụ bếp. Khu vực dự kiến thí điểm tuyển dụng tại 4 địa điểm du lịch chủ yếu của Hàn Quốc gồm: Seoul, Busan, Kangwon và Jeju. Dự kiến trong năm 2024, Hàn Quốc sẽ ban hành quy trình thực hiện bao gồm: Chỉ định quốc gia phái cử, cơ quan tuyển chọn, đơn vị đào tạo giáo dục định hướng…
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo rộng rãi khi Hàn Quốc chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam các ngành nghề này. Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất phái cử lao động đi làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo thị thực E9 (Chương trình EPS), bao gồm các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu (chưa được giao phái cử lao động trong các ngành, nghề nêu trên).
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chưa tiếp nhận và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào để đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp và nhân viên khách sạn.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận của Hàn Quốc để quảng cáo, tuyển chọn trái quy định về việc đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm… theo thị thực E9-5.
Vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị người lao động tìm hiểu kỹ thông tin. Nếu có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, cần liên hệ với Sở LĐTB&XH tại địa phương nơi cư trú, Trung tâm Lao động ngoài nước, các doanh nghiệp được Bộ LĐTB&XH cấp giấy phép dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Bộ LĐTB&XH, Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường trọng điểm, chất lượng của hoạt động xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Những năm gần đây, số lượng lao động sang thị trường này đã vượt con số 10.000 người. Riêng năm 2023, Việt Nam đã đưa được hơn 11.000 người sang nước này làm việc. Đây cũng là thị trường được lao động Việt Nam ưa thích, do có điều kiện tốt và thu nhập cao.
Với Chương trình EPS, trong năm nay, phía Hàn Quốc sẽ tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc ở các ngành nghề gồm: Sản xuất chế tạo (lắp ráp, đo lường và nối); xây dựng (cốt thép, mộc); nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và ngư nghiệp (nuôi trồng, đánh bắt gần bờ). Dự kiến số lượng tuyển chọn trong năm 2024 là 15.374 người (trong đó ngành sản xuất chế tạo là 11.246 người; ngành xây dựng 200 người; ngành nông nghiệp 895 người; ngành ngư nghiệp 3.033 người)./.