(CTTĐTBP) - Sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang có tầm ảnh hưởng nhất định, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong những tháng gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, là nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trước diễn biến này, việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất.
Từ tháng 5/2021 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang bước vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản như: vải, mít, dưa hấu, thanh long, sầu riêng, khoai lang, nhãn... Trong đó, với điều kiện thời tiết thuận lợi, vụ vải và nhãn năm 2021 tiếp tục được mùa. Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340.000 tấn; sản lượng nhãn phía Bắc ước đạt 300.000 tấn, tăng hơn 13% so với năm 2020. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, để hàng hóa nông sản có thể được lưu thông thông suốt, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ ngành, nhiều địa phương đã có sự chủ động trong việc triển khai các phương án tiêu thụ ngay từ đầu vụ.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các phương án tiêu thụ truyền thống như tiếp xúc các nhà tiêu thụ lớn đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và các đối tác xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…, các địa phương đã rất chú trọng việc xúc tiến thương mại và bán hàng trên các sàn TMĐT như: Vỏ sò, Alibaba, Lazada, VN Post... để nông sản đi xa và nhanh đến tay người tiêu dùng hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễ́n biến phức tạp trên diện rộng. Thực tế, có thể thấy nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), khoai lang Nhật của tỉnh Vĩnh Long, mận Tam Hoa Bắc Hà, bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn ... hiện đang được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn TMĐT có uy tín, cho thấy sàn TMĐT đã và đang thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Trong đó, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 19/5/2021, vải thiều Thanh Hà đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post - nền tảng TMĐT của Việt Nam thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”. Trước đó, ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà đã được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại” trên nền tảng Lazada.
Tương tự, ngày 28/5/2021, sàn TMĐT Vỏ Sò đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Đồng thời, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn. Ngoài việc đưa lên sàn TMĐT Vỏ Sò, tỉnh Bắc Giang cũng tiếp tục kích hoạt sàn TMĐT hiện có là “vaithieu.vn”. Cùng với đó, Bắc Giang đã phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở gian hàng trên sàn TMĐT Alibaba.
Tại Sơn La, nhận thấy tiềm năng lớn của sàn TMĐT, địa phương đã đẩy mạnh việc đưa nông sản lên các sàn để chào hàng. Trong ngày 28/5, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình “Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và TMĐT năm 2021”. Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, sản phẩm mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La chính thức lên sàn TMĐT Shopee từ ngày 28/5. Các sản phẩm lên sàn TMĐT đều được Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Đáng chú ý, cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua các sàn TMĐT, TMĐT xuyên biên giới cũng bước đầu đem lại tác động tích cực, mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, theo mô hình “TMĐT xuyên biên giới” trên nền tảng TMĐT do Việt Nam phát triển và vận hành thông qua Chương trình hợp tác giữa Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với sàn TMĐT Vỏ Sò và Viettel Post, ngày 22/6/2021, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được sàn TMĐT Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức), đánh dấu lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình này. Đây là kết quả của việc từng bước phát triển ứng dụng TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Lợi thế của TMĐT đó là tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, là yếu tố quan trọng khiến phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Do vậy, ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.
Tuy nhiên, việc bán nông sản qua sàn TMĐT cũng sẽ vấp phải một số khó khăn trong việc cung ứng. Theo đó, hiện trái cây từ vườn đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều bên trung gian và để giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt. Nếu mua trực tuyến qua các sàn TMĐT, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất là nhận thức của người nông dân và của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua TMĐT. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm.
Hiện việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT đã đem lại một số kết quả nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, để việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT có thể tiến xa hơn và phát triển bền vững, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tiếp cận các sàn TMĐT. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là xây dựng được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín và đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng, tạo niềm tin cho người mua hàng khi sử dụng kênh bán hàng này./.