I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 01 năm 2021, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 08 Nghị định của Chính phủ và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
2. Nghị định số 02/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 01 năm 2021 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan;
3. Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 01 năm 2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
4. Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 01 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục;
5. Nghị định số 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 01 năm 2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
6. Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 01 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
7. Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 01 năm 2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025;
8. Nghị định số 08/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 01 năm 2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 01/2021/QĐ-TTg của Thủ tuớng Chính phủ ngày 05 tháng 01 năm 2021 ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
2. Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21 tháng 01 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo;
3. Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 01 năm 2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp;
4. Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29 tháng 01 năm 2021 Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT.
1. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 04 tháng 01 năm 2021.
Nghị định này thay thế Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 09 chương và 101 Điều quy định về đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng kýdoanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; (3) Đăng ký tên doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; (4) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; (5) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; (6) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; (7) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (8) Hộ kinh doanh và đăng ký hộ kinh doanh; (9) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Cá nhân, thành viên hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Nghị định này; (3) Cơ quan đăng ký kinh doanh; (4) Cơ quan quản lý thuế; (5) Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.
2. Nghị định số 02/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 01 năm 2021 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2021.
Nghị định số 10/2005/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, trang phục, giấy chứng minh hải quan hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 10/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương và 16 Điều quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Quy định cụ thể: Cờ truyền thống của hải quan; Cờ truyền thống của hải quan; Biểu tượng hải quan; Hải quan hiệu; Phù hiệu hải quan; Biển tên công chức, viên chức; Cấp hiệu hải quan; Trang phục hải quan; Chứng minh hải quan; Dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan; (3) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Công chức, viên chức đang công tác trong ngành hải quan; (2) Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan; (3) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu: (1) Cờ hiệu, hải quan hiệu, cờ truyền thống, biểu tượng, chứng minh hải quan và phù hiệu hải quan; (2) Cấp hiệu gắn trên lễ phục, trang phục thu - đông, trang phục xuân – hè; (3) Cấp hiệu gắn trên trang phục chống buôn lậu; (4) Trang phục lễ phục hải quan Việt Nam; (5) Trang phục xuân - hè hải quan Việt Nam; (6) Trang phục thu - đông hải quan Việt Nam; (7) Áo sơ mi mặc trong lễ phục, trang phục thu đông hải quan Việt Nam; (8) Trang phục chống buôn lậu hải quan Việt Nam; (9) Trang phục mũ kêpi, caravat, thắt lưng hải quan Việt Nam; (10) Biển số tàu thuyền, ca nô, xuồng máy tuần tra, kiểm soát hải quan; (11) Đèn hiệu, biểu tượng xe ô tô tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.
3. Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 01 năm 2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2021.
Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương và 47 Điều về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Điều kiện bảo hiểm; (3) Phòng, chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; (4) Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xe cơ giới; (5) Quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;(6) Tổ chức thực hiện; (7) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Chủ xe cơ giới tham gia giao thông và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định của pháp luật; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Ban hành kèm theo nghị định các Phụ lục, cụ thể: (1) Phụ lục I - Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; (2) Phụ lục II - Báo cáo về tình hình thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; (3) Phụ lục III - Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; (4) Phụ lục IV - Báo cáo doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; (5) Phụ lục V - Đơn đề nghị thành lập hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xe cơ giới; (6) - Đơn đề nghị thay đổi thành viên hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
4. Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 01 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2021 và thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với Luật giáo dục năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương và 42 Điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Các hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; (3) Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh; (4) Các hành vi vi phạm quy định về nội dung, chương trình, đào tạo liên thông, liên kết; (5) Các hành vi vi phạm quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; (6) Các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học; hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; (7) Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ; (8) Các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học; (9) Các hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng; (10) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính; (11) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; (2) Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan; (3) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực giáo dục, thì không bị xử phạt theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Nghị định số 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 01 năm 2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 3 năm 2021 và thay thế Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 102/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và quy định của các luật khác có liên quan.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương và 73 Điều về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; (3) Quy hoạch cảng hàng không, sân bay; (4) Mở, đóng cảng hàng không, sân bay, trừ sân bay chuyên dụng; (5) Đầu tư xây dựng tại cảng hàng không, sân bay; (6) Cấp giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận khai thác; cấp giấy phép kinh doanh cảng hàng không, sân bay; (7) Quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; (8) Hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay, trừ sân bay chuyên dùng; (9) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu: (1) Mẫu số 1- Đơn đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; (2) Mẫu số 2 - Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; (3) Mẫu số 3 - Đơn đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay; (4) Mẫu số 4 - Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay; (5) Mẫu số 5 - Tờ khai cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không; (6) Mẫu số 6 - Giấy phép kinh doanh cảng hàng không; (7) Mẫu số 7 - Đơn đề nghị (của tổ chức) cấp, cấp lại, bổ sung năng định Giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; (8) Mẫu số 8 - Bản khai (của cá nhân) cấp, cấp lại Giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; (9) Mẫu số 9 - Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không.
6. Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 01 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương và 54 Điều quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Quản lý thi công xây dựng công trình; (3) Bảo hành công trình xây dựng; (4) Bảo trì công trình xây dựng; (5) Đánh giá an toàn công trình; (6) Xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, công trình hết thời hạn sử dụng, phá dỡ công trình xây dựng; (7) Sự cố công trình xây dựng; (8) Sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; (9) Điều khoản thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định các Phụ lục: (1) Phụ lục I - Phân loại công trình theo công năng sử dụng; (2) Phụ lục IIA - Nhật ký thi công xây dựng công trình; (3) Phụ lục IIB – Bản vẽ hoàn công; (4) Phụ lục III - Kế hoạch tổng hợp về an toàn; (5) Phụ lục IV - Báo cáo công tác giám sát thi công xây dựng công trình; (6) Phụ lục IVA - Báo cáo định kỳ về công tác giám sát thi công xây dựng công trình/hạng mục công trình; (7) Phụ lục IVB - Báo cáo hoàn thành công tác giám sát thi công xây dựng gói thầu/giai đoạn/hạng mục công trình/công trình xây dựng; (8) Phụ lục V - Thông báo khởi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng; (9) Phụ lục VI - Hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng; (10) Phụ lục VIA - Báo cáo hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng; (11) Phụ lục VIB - Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình; (12) Phụ lục VII - Kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng; (13) Phụ lục VIII - Danh mục công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; (14) Phụ lục IX - Danh mục hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình.
7. Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 01 năm 2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định về chuẩn nghèo đa chiều để triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025) của đất nước và các địa phương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 Điều quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; (2) Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021; (3) Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025; (4) Tổ chức thực hiện; (5) Hiệu lực thi hành; (6) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Hộ gia đình; (2) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.
Ban hành kèm theo Nghị định Phụ lục: Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025.
8. Nghị định số 08/2021/NĐ-Cp của Chính phủ ngày 28 tháng 01 năm 2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2021. Bãi bỏ Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 10 Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Bãi bỏ quy định liên quan đến thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia nhập cảnh, xuất cảnh tại cảng thủy nội địa Việt Nam và phương tiện thủy nội địa Việt Nam xuất cảnh tại cảng thủy nội địa đi Campuchia tại Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định ban hành nhằm khắc pơhục những hạn chế vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 24/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về hoạt động đường thủy nội địa.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương và 70 Điều
quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Quy định chung về quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; (3) Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác luồng đường thủy nội địa; (4) Quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; (5) Quản lý báo hiệu và các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; (6) Bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; (7) Quản lý đầu tư xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa; (8) Bảo đảm an toàn trong hoạt động đường thủy nội địa; (9) Bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và hoa tiêu đường thủy nội địa; (10) Bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa; (11) Thủ tục phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; (12) Trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động đường thủy nội địa; (13) Điều khoản thi hành.
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa tại Việt Nam.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục gồm 49 biểu mẫu để quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
9. Quyết định số 01/2021/QĐ-TTg của Thủ tuớng Chính phủ ngày 05 tháng 01 năm 2021 ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 03 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phục vụ hoạt động thống kê nhà nước.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 Điều ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục và Nội dung của Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam: (a) Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam gồm 5 cấp (Phụ lục I): Ngành cấp 1 gồm 12 dịch vụ được mã hóa bằng 2 chữ số từ 01 đến 12; Ngành cấp 2 gồm 45 dịch vụ được mã hóa bằng 4 chữ số theo dịch vụ cấp 1 tương ứng; Ngành cấp 3 gồm 95 dịch vụ được mã hóa bàng 5 chữ số theo dịch vụ cấp 2 tương ứng; Ngành cấp 4 gồm 136 dịch vụ được mà hóa bằng 6 chữ số theo dịch vụ cấp 3 tương ứng; Ngành cấp 5 gồm 168 dịch vụ được mã hóa bằng 7 chữ số theo dịch vụ cấp 4 tương ứng; (b) Nội dung Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam giải thích rõ những dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu gồm khái niệm, nhận dạng các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ, dịch vụ thuộc phạm vi, không thuộc phạm vi thống kê dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu (Phụ lục II); (4) Hiệu lực thi hành.
Quyết định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thống kê xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ theo quy định của Luật Thống kê 2015.
Ban hành kèm theo Quyết định các Phụ lục: (1) Phụ lục I - Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; (2) Phụ lục II - Nội dung danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
10. Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21 tháng 01 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 3 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, cụ thể: (1) Sửa đổi khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo: Bỏ mốc thời gian “và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020”; (2) Tổ chức thực hiện: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này; (3) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 3 năm 2021.
11. Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 01 năm 2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 01 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg
ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành.