Thông tư nêu rõ: Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi tập thể, cá nhân đang công tác trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong công cuộc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên tập thể, cá nhân đang công tác trong hệ thống VKSND hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân trong công cuộc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Đồng thời, khuyến khích, động viên tập thể, cá nhân ngoài hệ thống VKSND có thành tích đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành KSND.
Quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ
Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng, Điều 4 Thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng phải bảo đảm dân chủ, khách quan, thực chất, hiệu quả, kịp thời; quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ; thường xuyên bồi dưỡng, xây dựng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đủ điều kiện để đề nghị khen thưởng hình thức cao và nhân rộng điển hình tiên tiến; chú trọng khen thưởng đột xuất, phát hiện, lựa chọn các cá nhân, tập thể có sáng kiến, thành tích xuất sắc để khen thưởng.
Khi xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó phụ trách (hình thức khen thưởng người đứng đầu không cao hơn của tập thể do cá nhân đó phụ trách trong năm công tác).
Phong trào thi đua phải có chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể, thiết thực
Thông tư quy định cụ thể hình thức, nội dung công tác thi đua trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo đó, có 2 hình thức tổ chức thi đua gồm: Thi đua thường xuyên và thi đua theo chuyên đề.
Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Phong trào thi đua thường xuyên có các hoạt động sau: Thi đua trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu công tác chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; công việc đột xuất, ngoài chương trình, kế hoạch được Viện trưởng VKSND tối cao giao.
Thi đua trong công tác xây dựng ngành KSND, xây dựng Đảng, đoàn thể trong sạch vững mạnh.
Các hoạt động động viên, thu hút, khuyến khích tập thể, cá nhân sáng tạo, đổi mới, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc, phổ biến, nhân rộng sáng kiến, kinh nghiệm.
Các hoạt động đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tại đơn vị và thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng: Xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức hoạt động thi đua tại đơn vị, hưởng ứng các phong trào thi đua do cấp trên phát động, phát động các phong trào thi đua theo thẩm quyền; việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; công tác tuyên truyền về hoạt động thi đua, khen thưởng, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả.
Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị.
Phong trào thi đua theo chuyên đề có các hoạt động sau: Hưởng ứng phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước phát động; phát động, tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi toàn ngành KSND gắn với nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các sự kiện lớn của Ngành; phát động, tổ chức phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị.
Thông tư nêu rõ: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm triển khai tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 17 Luật Thi đua, khen thưởng; gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của tập thể, cá nhân. Tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký, tham gia phong trào thi đua.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2024./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/quy-dinh-moi-ve-cong-tac-thi-dua-khen-thuong-trong-nganh-kiem-sat-nhan-dan-102240813154405831.htm