Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024

Chủ nhật - 30/06/2024 08:25
(CTTĐTBP) – Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kỳ họp thứ 7 với 460/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
z55843515713306497d1147328408fef9d06942cdddecd 17196307312061128945006
Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Nghị quyết, Quốc hội thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật và xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.

Đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh.

Đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo vệ và bảo đảm số lượng tàu bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước.

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở năm 2025.

z5584648612433ef73930e74abbc5f7cad2d1dc3e72a9c 17196316534031214985481
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.

Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025).

Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, giao Chính phủ: Triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 01/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Nghị quyết Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết cũng quyết nghị việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm đạt mục tiêu đề ra; chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội; đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh. 

Không tạo ra khoảng trống pháp lý gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024; chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các chức năng của Quốc hội và trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.

Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát; rà soát, giải quyết các kiến nghị từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết dứt điểm, các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, bảo đảm chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri; tăng cường và nâng cao hiệu quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội./.

Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,474
  • Hôm nay339,812
  • Tháng hiện tại7,052,676
  • Tổng lượt truy cập490,916,114
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây