Bộ Công an cho biết, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: (1) Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); (2) Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; (3) Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu âu… Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: (1) Một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; (2) Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; (3) Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; (4) Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; (5) Nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu; (6) Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ; (7) Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (8) Khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ,…
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sử dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Qua rà soát, hiện có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Công nghệ thông tin, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số… (chi tiết tại Phụ lục kèm theo Báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ dự án luật). Qua phân tích, thống kê tại các văn bản luật nêu trên thì các luật này đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cụ thể:
(1) Về các trường thông tin có trong cơ sở dữ liệu: 16 cơ sở dữ liệu đã quy định rõ các trường thông tin, 30 cơ sở dữ liệu có quy định nhưng chưa cụ thể các trường thông tin, 26 cơ sở dữ liệu không quy định các trường thông tin.
(2) Về mô tả, định nghĩa về cơ sở dữ liệu: 34 cơ sở dữ liệu đã được nêu rõ mô tả, định nghĩa cụ thể; 07 cơ sở dữ liệu có quy định nhưng chưa cụ thể; 31 cơ sở dữ liệu không được định nghĩa.
(3) Về hình thức khai thác, chia sẻ: 18 cơ sở dữ liệu đã được quy định cụ thể về hình thức khai thác, chia sẻ dữ liệu; 14 cơ sở dữ liệu có quy định nhưng chưa cụ thể về hình thức khai thác, chia sẻ; 40 cơ sở dữ liệu không quy định.
Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật và khảo sát thực tiễn của Bộ Công an các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 07 cơ sở dữ liệu quốc gia, gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Trong các luật đã rà soát, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tất cả các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…); chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu đang phát triển trên thế giới như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu… Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.
Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã xác định đến Quý IV năm 2025 Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tổng hợp, phân tích, điều phối dữ liệu, cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, việc xây dựng luật với tên gọi là Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Dự thảo Luật gồm 07 chương, 65 điều
Luật này quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật
- Chương I. Quy định chung, gồm 06 điều (Điều 1 đến Điều 6), quy định về: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Dữ liệu; nguyên tắc chung; các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II. Xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; hợp tác quốc tế về dữ liệu, gồm 22 điều (từ Điều 7 đến Điều 28), quy định về: thu thập, số hóa và tạo lập dữ liệu; bảo đảm chất lượng dữ liệu; phân loại dữ liệu; lưu trữ dữ liệu; kết hợp, điều chỉnh, cập nhật dữ liệu; chiến lược dữ liệu; quản trị dữ liệu; kết nối, chia sẻ, điều phối dữ liệu; cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước; phân tích, tổng hợp dữ liệu; xác nhận, xác thực dữ liệu; công khai dữ liệu; truy cập, truy xuất dữ liệu; mã hóa, giải mã dữ liệu; sao chép, truyền đưa, chuyển giao dữ liệu; chuyển dữ liệu ra nước ngoài; thu hồi, xóa, hủy dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý, quản lý, quản trị, sử dụng, khai thác dữ liệu; xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; bảo vệ dữ liệu; hợp tác quốc tế về dữ liệu.
- Chương III. Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, gồm 07 điều (từ Điều 29 đến Điều 35), quy định về: yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trách nhiệm cung cấp dữ liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, tổ chức khác; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác; phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
- Chương IV. Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm 10 điều (từ Điều 36 đến Điều 45), quy định về: xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; vị trí, vai trò Trung tâm dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; quy định về đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia; nhiệm vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo vệ dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; mối quan hệ giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia với các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; người làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu; nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu.
- Chương V. Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, gồm 08 điều (từ Điều 46 đến Điều 53), quy định về: sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; điều kiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ xác thực điện tử đối với thông tin không gắn với chủ thể danh tính điện tử; sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu; xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển thị trường dữ liệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu.
- Chương VI. Quản lý nhà nước về dữ liệu, gồm 10 điều (từ Điều 54 đến Điều 63), quy định về: nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Chương VII. Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều (Điều 64 và Điều 65), quy định về: sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.