Tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quy định phòng cháy, chữa cháy hiện hành

Thứ năm - 11/01/2024 08:43
(CTTĐTBP) - Bộ Công an đang dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
 
pccc 1704877294682384077728
Bộ Công an đang dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bộ Công an cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi và nghiên cứu bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; cụ thể:

Thực tế hiện nay các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến không quy định bao quát hết và thực tế cho thấy, một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở và trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, về quy định cơ sở trong Luật Phòng cháy và chữa cháy cần phải được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, bao quát.

Cần rà soát sửa đổi các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy để khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập, thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan, bảo đảm tính khả thi; bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể: Rà soát, bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ; quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật Phòng cháy và chữa cháy cần rà soát điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; rà soát quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng cho thống nhất với Luật Lâm nghiệp; rà soát quy định về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy cho thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Phòng cháy và chữa cháy chưa phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; về khái niệm thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xây dựng; quy định về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy chưa bảo đảm tính khả thi; quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy còn quy định chung chung; về quy định xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi; về xây dựng, bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và khả năng bảo đảm của từng loại hình cơ sở, từng địa phương.

Về quy định trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình cơ sở, phương tiện giao thông cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý. Rà soát, điều chỉnh quy định về thanh tra trong Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Thanh tra để bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Về bảo đảm điều kiện hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một số quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy không còn phù hợp với tình hình thực tế cần được sửa đổi như việc thực hiện yêu cầu khu dân cư phải có các quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy; bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình đặc thù do hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng trực tiếp...

Bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày

Theo Bộ Công an, hoạt động cứu hộ, cứu nạn (CNCH) của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và CNCH có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật".

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động phòng cháy, chữa cháy được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; đồng thời, qua rà soát các Luật hiện hành cho thấy mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ, xảy ra trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự, năng lượng nguyên tử, hóa chất, biển, hải đảo, môi trường…, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và CNCH đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản Luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng phòng cháy, chữa cháy thực hiện nhiệm vụ.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý nhà nước về CNCH và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác CNCH, có đầy đủ các điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ.

Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và CNCH chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm; bên cạnh đó, tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra các tình huống, sự cố.

Do vậy, cần phải quy định đầy đủ trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và CNCH các nội dung về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và CNCH đang thực hiện; bao gồm, sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác chưa được quy định trong văn bản Luật (các sự cố, tai nạn này hiện nay đang được quy định trong Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy).

Theo đó, cùng với việc nghiên cứu, bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày thì cũng cần thiết nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các quy định về: Tổ chức, hoạt động, phạm vi CNCH, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác CNCH; công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về CNCH và những vấn đề khác có liên quan tới công tác CNCH để vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vừa tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể những nhiệm vụ mà lực lượng chức năng được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện trong công tác CNCH để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Bộ Công an đã rà soát toàn bộ các luật, pháp lệnh đang có hiệu lực để bảo đảm việc đề xuất quy định về hoạt động CNCH trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là không chồng lấn, không mẫu thuẫn với các luật, pháp lệnh và bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ Công an đã dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 08 chương, 58 Điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về phòng cháy; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.
 

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,013
  • Hôm nay249,745
  • Tháng hiện tại8,958,353
  • Tổng lượt truy cập492,821,791
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây