Tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc

Thứ bảy - 27/07/2024 10:14
(CTTĐTBP) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (GGHB của LHQ).
dsc2183 16920678225351070215985 17219620271561750404160

Bộ Quốc phòng cho biết, hoạt động GGHB LHQ, thể hiện dưới hình thức các Phái bộ được LHQ cử đến các khu vực đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình để gìn giữ hòa bình tại các khu vực này, là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ LHQ dựa vào nguồn lực và lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ thể theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương LHQ. Kể từ khi triển khai hoạt động GGHB lần đầu tiên năm 1948, đến nay LHQ đã triển khai 71 Phái bộ GGHB LHQ trên khắp thế giới. Tính đến tháng 8 năm 2023, có tất cả 14 Phái bộ GGHB của LHQ đang được triển khai với tổng số gần 103.200 nhân viên; trên 120 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ đã và đang cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ. Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Để triển khai thực hiện, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Kết quả, từ năm 1996, Việt Nam đã tham gia đóng góp một phần nghĩa vụ tài chính hằng năm cho hoạt động GGHB LHQ. Từ tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ. Đến nay, Việt Nam đã cử 812 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 12 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại các Phái bộ và Trụ sở LHQ, cả hình thức cá nhân (sĩ quan tham mưu quân sự, huấn luyện, trang bị; sĩ quan liên lạc; quan sát viên quân sự; sĩ quan điều phối quân - dân sự; sĩ quan truyền thông; sĩ quan quân lương, sĩ quan cảnh sát cá nhân tại Phái bộ, chuyên gia cảnh sát tại Trụ sở LHQ;...) và hình thức đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 với 63 quân nhân; Đội Công binh với 184 quân nhân). Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Lãnh đạo LHQ, Chỉ huy Phái bộ, Chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam, đóng góp vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ trong thời bình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng GGHB của LHQ thời gian qua đã phát sinh những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức xây dựng lực lượng; cơ chế, quy trình triển khai lực lượng tham gia lực lượng GGHB của LHQ chưa đầy đủ, chặt chẽ; công tác bảo đảm nguồn lực, tài chính, chế độ, chính sách chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn; công tác bồi thường thiệt hại chưa có cơ chế xử lý;... Những hạn chế, bất cập này xuất phát chủ yếu từ việc thiếu cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được tình hình thực tế của công tác tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã quy định chủ trương về việc "tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới", tuy nhiên Nghị quyết số 130/2020/QH14 chưa thể chế hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp, chưa có các quy định về: phạm vi tham gia lực lượng GGHB của LHQ; quy trình triển khai lực lượng; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia lực lượng GGHB của LHQ; công tác đảm bảo cho hoạt động GGHB LHQ; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành lực lượng tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Nghị quyết số 130/2020/QH14 có quy định chức danh Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại Phái bộ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, bất cập khi chưa quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho vị trí chức danh này.

Từ các lý do trên, việc xây dựng, ban hành Luật tham gia lực lượng GGHB của LHQ là cần thiết, không chỉ đảm bảo tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia lực lượng GGHB của LHQ, mà còn củng cố sự đồng thuận chính trị và sự ủng hộ của xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào sứ mệnh cao cả của LHQ là GGHB thế giới.

Dự thảo Luật gồm 06 chương, 40 Điều

Luật quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, xây dựng, triển khai lực lượng, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách và quản lý Nhà nước đối với việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ.

Với phạm vi điều chỉnh như trên, bố cục của dự thảo Luật gồm 06 chương, 40 Điều. Cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung (gồm 08 Điều: Từ Điều 1 đến Điều 8);

Chương II. Xây dựng, triển khai lực lượng (gồm 20 Điều: Từ Điều 9 đến Điều 26);

Chương III. Công tác bảo đảm và chế độ, chính sách (gồm 05 Điều: Từ Điều 29 đến Điều 31);

Chương IV. Hợp tác quốc tế về GGHB LHQ (gồm 03 Điều: Điều 32 và Điều 34);

Chương V. Quản lý Nhà nước (gồm 05 Điều: Từ Điều 35 đến Điều 39);

Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 01 Điều: Điều 40).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-day-du-cho-viec-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-102240726094829655.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập992
  • Hôm nay88,425
  • Tháng hiện tại7,180,708
  • Tổng lượt truy cập491,044,146
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây