Nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ

Thứ sáu - 21/04/2023 10:16

(CTTĐTBP) - Bộ Công an đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

canhve 1665391039349793320668 16819756999061307478430
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Bổ sung đối tượng cảnh vệ

Bộ Công an cho biết, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ: nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu, nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương. 

Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình an ninh chính trị trên thế giới, trong nước hiện nay, Bộ công an đề xuất bổ sung một số đối tượng cảnh vệ: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ Công an lý giải, các chức danh Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, đặc thù nghề nghiệp mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ. Qua tham khảo luật của một số quốc gia trên thế giới, đồng thời Luật hóa Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thu hẹp phạm vi hội nghị quốc tế được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng

Đối với đối tượng cảnh vệ là các "sự kiện đặc biệt quan trọng", Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi hội nghị quốc tế được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng. 

Tại điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ hiện nay quy định "sự kiện đặc biệt quan trọng" là đối tượng cảnh vệ gồm: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị -xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị". 

Như vậy một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 10 tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là "sự kiện đặc biệt quan trọng" và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ.

Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 10 như sau: Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì".

Tách biện pháp cảnh vệ ra khỏi chế độ cảnh vệ

Dự thảo Luật cũng tách Điều 11 thành 02 điều luật: Điều 11. Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Điều 11a. Biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bộ Công an đề xuất tách biện pháp cảnh vệ ra khỏi chế độ cảnh vệ để tạo thuận lợi cho lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ. 

Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao

Cụ thể, Điều 11 quy định về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:

1. Chế độ cảnh vệ đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ: a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; b) Được bảo vệ nơi ở; c) Được bảo vệ nơi làm việc; d) Được bảo vệ địa điểm hoạt động; đ) Được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại; e) Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ.

2. Chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ: a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; b) Được bảo vệ nơi ở;

3. Chế độ cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; b) Được bảo vệ nơi ở; c) Được bảo vệ nơi làm việc; d) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

4. Chế độ cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ: a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; b) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

5. Trường hợp một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.

Biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao

Điều 11a quy định về biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:

1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ: a) Bảo vệ tiếp cận; b) Vũ trang, tuần tra, canh gác; c) Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi; d) Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; đ) Bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ; e) Sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; g) Sử dụng thẻ, phù hiệu; h) Biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ: Áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

3. Chế độ cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; b) Được bảo vệ nơi ở; c) Được bảo vệ nơi làm việc; d) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

4. Biện pháp cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ: a) Áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại điểm a, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều này; b) Bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết.

5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ

Đồng thời, dự thảo đề xuất cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong thực hiện công tác cảnh vệ, như Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong nước và nước ngoài; trong trường hợp cần thiết, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài; xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bổ sung quy định về sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt

Dự thảo bổ sung Điều 20a về sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt. Theo đó, Giấy Bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ sử dụng để thực hiện công tác cảnh vệ.

Khi sử dụng, sĩ quan cảnh vệ xuất trình Giấy Bảo vệ đặc biệt cùng Giấy Chứng minh Công an nhân dân hoặc Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu công tác cảnh vệ khi sĩ quan cảnh vệ xuất trình Giấy Bảo vệ đặc biệt.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay753,594
  • Tháng hiện tại21,308,007
  • Tổng lượt truy cập481,200,694
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây