Bộ Quốc phòng cho biết, Thông tư số 46/2016/TT-BQP có hiệu lực ngày 18/5/2016 đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quân triển khai đăng ký tuyến, chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; xây dựng, phê duyệt danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và chỉ đạo, hỗ trợ tuyến chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2016 tới nay, toàn quân đã triển khai hệ thống tuyến nghiêm túc, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện của các đơn vị.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Thông tư 46/2016/TT-BQP cũng bộc lộ một số bất cập cần phải thay thế để phù hợp hơn như:
- Việc xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Tuyến 1, 2 đã mặc định một số bệnh viện quân y thuộc hạng I (không cần xếp hạng) như các bệnh viện quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y, Tổng cục Hậu cần; Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội; Bệnh viện Quân Y 110/Quân khu1, Bệnh viện Quân Y 17/QK5, Bệnh viện Quân Y 7A/QK7, Bệnh viện Quân Y121/QK9, Bệnh viện Quân Y 211/QĐ3,… dẫn tới chưa phù hợp với việc xếp hạng bệnh viện quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BYT ngày 16/5/2024 của Bộ Y tế về quy định xếp hạng bệnh viện và các quy định trước về xếp hạng bệnh viện (Thông tư số 03/2007/TT-BYT ngày 08/2/2007 và Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 của Bộ Y tế).
- Quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh đến nay không còn phù hợp; cần thiết có quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm phù hợp với quy định mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế.
- Quy định chỉ đạo, hỗ trợ tuyến chuyên môn kỹ thuật còn bất cập do chưa bao quát đầy đủ các nhiệm vụ theo yêu cầu thực tế; đặc biệt với những nhiệm vụ đột xuất, đặc thù. Hiện nay, các bệnh viện được giao nhiều nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn, như: Bệnh viện Quân Y 175 chỉ đạo chuyên môn đối với quân y tại Quần đảo Trường Sa-DK; Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Quân Y 103 là bệnh viện tuyến cuối có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tổ chức khám sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội,… Do vậy cần quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Cục Quân y, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nhiệm vụ chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật.
- Danh mục kỹ thuật được thực hiện tại tuyến 4 không còn phù hợp với khả năng chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4 có biên chế bác sỹ; thiết bị y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội đã có bước tiến bộ vượt bậc, nhiều trang thiết bị về chẩn đoán và điều trị (máy xét nghiệm, X quang, phục hồi chức năng,…) trước đây chỉ trang bị cho tuyến bệnh viện, bệnh xá, hiện nay đã được trang bị cho quân y đơn vị khai thác sử dụng theo đúng quy định về hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở. Cần thiết có quy định về xây dựng và phê duyệt danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu cần được quy định lại (có danh mục mới) bảo đảm cụ thể, chặt chẽ.
Việc tổ chức đánh giá chất lượng tại các bệnh viện quân đội hằng năm thực hiện chủ yếu qua các bệnh viện tự đánh giá theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện quy định tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế, Cục Quân y thành lập Đoàn phúc tra kết quả tự đánh giá, chấm điểm của một số bệnh viện. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác như bệnh xá, đội điều trị chưa thực hiện việc tự đánh giá chất lượng. Do vậy, chưa có đánh giá cụ thể, toàn diện đối với chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội.
Do vậy cần tổ chức đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phục vụ công tác quản lý, duy trì, cải tiến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp thông tin để người bệnh lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Thông tư gồm 6 chương, 15 điều và 4 phụ lục
Dự thảo Thông tư gồm 6 chương, 15 điều và 4 phụ lục kèm theo, cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung gồm 3 điều từ điều 1 đến điều 3;
- Chương II: Cấp chuyên môn kỹ thuật; chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng gồm 3 điều từ điều 4 đến điều 6;
- Chương III: Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gồm 2 điều từ điều 7 đến điều 8;
- Chương IV: Đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm 2 điều từ điều 9 đến điều 10;
- Chương V: Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm 3 điều từ điều 11 đến điều 13;
- Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 2 điều từ điều 14 đến điều 15.
Tự đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Dự thảo quy định, hằng năm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản và cấp chuyên sâu có trách nhiệm tự đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản theo quy định tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện do Bộ Y tế ban hành và gửi hồ sơ tự đánh giá về Cục Quân y.
Hồ sơ tự đánh giá gồm: Bảng tự chấm điểm theo các tiêu chí, biên bản họp Hội đồng Khoa học Y học quân sự, hồ sơ mô tả năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế và văn bản đề nghị của bệnh viện (trừ bệnh viện thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố) hoặc của quân y đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng đối với các bệnh xá, bệnh viện thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố.
Kết quả đánh giá được niêm yết công khai trên cổng thông tin Bộ Quốc phòng, Cục Quân y và trên hệ thống quản lý về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Căn cứ kết quả tự đánh giá của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quân y lựa chọn ngẫu nhiên để tổ chức đánh giá chất lượng cơ bản cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cục Quân y thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng nâng cao theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 16/2024/NĐ-CP. Cục trưởng Cục Quân y quyết định quy trình, thời gian, địa điểm đánh giá, thẩm định lại và ban hành quyết định kết luận chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi có Quyết định, Cục Quân y gửi thông tin kết quả chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lên cổng thông tin Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế để đăng tải.
Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế căn cứ vào tình trạng bệnh của người bệnh, khả năng đáp ứng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định theo yêu cầu chuyên môn và quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện tuần tự từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu, cấp cơ bản lên đến cấp chuyên sâu trong các trường hợp sau:
a) Vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kịp thời chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp với tình trạng người bệnh và phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh chuyển đến.
b) Người bệnh đã điều trị ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, điều trị củng cố, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn hoặc ngang cấp trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị quá tải hoặc để quản lý, theo dõi hoặc tiếp tục điều trị đối với các bệnh mạn tính theo danh mục bệnh quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, hoặc theo nguyện vọng của người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh, hoặc theo yêu cầu về quản lý quân nhân.
Người bệnh được chuyển vượt cấp trong trường hợp sau (trừ trường hợp cấp cứu): a) Vượt khả năng điều trị của cấp liền kề;
b) Người bệnh được chẩn đoán xác định một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Người mắc bệnh mạn tính hoặc bệnh khác có giấy chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lên cấp chuyên sâu trong 01 năm theo danh mục bệnh quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
d) Các trường hợp khác do chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định khi được sự chấp nhận (bằng văn bản) của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh chuyển đến.
Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận người bệnh thực hiện đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ