Huy động lực lượng phòng không nhân dân trong trường hợp nào?

Thứ tư - 04/10/2023 07:08
(CTTĐTBP) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật Phòng không nhân dân, trong đó đề xuất các trường hợp huy động lực lượng phòng không nhân dân.
 
pk 1696327219726131455798
Bộ Quốc phòng đề xuất các trường hợp huy động lực lượng phòng không nhân dân

Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân mà nòng cốt là bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa và thực hành đánh địch đột nhập, tiến công đường không.

Theo dự thảo, sẽ huy động lực lượng phòng không nhân dân trong các trường hợp sau: 1- Khi đất nước có chiến tranh; 2- Khi ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; 3- Khi cấp có thẩm quyền quyết định huy động lực lượng phòng không nhân dân để huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan.

Thời hạn huy động lực lượng phòng không nhân dân

Theo dự thảo, khi đất nước có chiến tranh, lực lượng phòng không nhân dân huy động được thực hiện theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật lực lượng dự bị động viên về tình trạng chiến tranh.

Khi ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lực lượng phòng không nhân dân huy động không quá 30 ngày trong một lần huy động, không quá 2 lần huy động trong một năm.

Khi cấp có thẩm quyền quyết định huy động lực lượng phòng không nhân dân để huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan, lực lượng phòng không nhân dân huy động không quá 7 ngày trong một lần huy động, không quá 2 lần huy động trong một năm.

Độ tuổi huy động lực lượng phòng không nhân dân

Dự thảo nêu rõ, thời bình độ tuổi huy động lực lượng phòng không nhân dân được đề xuất như sau: Lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật lực lượng dự bị động viên và các quy định của pháp luật có liên quan. Lực lượng phòng không nhân dân huy động từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định của pháp luật có liên quan. Lực lượng phòng không nhân dân huy động từ Nhân dân là công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi. Trường hợp tình nguyện tham gia có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với công dân nam, đến hết 45 tuổi đối với công dân nữ.

Thời chiến hoặc khi tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, độ tuổi huy động lực lượng phòng không nhân dân được đề xuất như sau: Lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật lực lượng dự bị động viên và các văn bản pháp luật khác có liên quan về tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Lực lượng phòng không nhân dân huy động từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân độ tuổi huy động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không quá 50 tuổi đối với công dân nam và 45 tuổi đối với công dân nữ. Trường hợp còn sức khoẻ, còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nếu tự nguyện thì tiếp tục được kéo dài theo nguyện vọng của cá nhân.

Thẩm quyền huy động lực lượng phòng không nhân dân

Dự thảo nêu rõ, trong huấn luyện, diễn tập, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân trong địa bàn quản lý sau khi nhận được sự nhất trí bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo kế hoạch.

Khi đất nước có chiến tranh hoặc khi ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc mệnh lệnh của Tư lệnh quân khu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quyết định huy động lực lượng của địa phương, cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo đề nghị của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã; người đứng đầu doanh nghiệp hoặc người chủ doanh nghiệp quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo đề nghị của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Trình tự tổ chức huy động lực lượng phòng không nhân dân

Theo dự thảo, lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt thực hiện theo mệnh lệnh của chỉ huy đơn vị bộ đội địa phương, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ và chỉ huy đơn vị dự bị động viên đối với từng lực lượng thuộc quyền.

Trình tự huy động lực lượng phòng không nhân dân được đề xuất như sau:

1- Xây dựng kế hoạch huy động: Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chỉ huy tự vệ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nơi không có Ban Chỉ huy quân sự xây dựng Kế hoạch huy động, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người chủ doanh nghiệp phê duyệt.

2- Ban hành quyết định huy động: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thông báo quyết định huy động lực lượng phòng không nhân dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp đến cơ quan, tổ chức thuộc quyền; Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển quyết định huy động lực lượng phòng không nhân dân đến từng cá nhân của địa phương; chủ doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển quyết định huy động lực lượng phòng không nhân dân đến từng cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

3- Tiếp nhận lực lượng được huy động: Cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiếp nhận lực lượng phòng không nhân dân được huy động, sắp xếp tổ chức biên chế, bố trí nơi ăn nghỉ trong thời gian huy động thực hiện nhiệm vụ.

4- Tổ chức sử dụng lực lượng huy động: Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng không nhân dân của địa phương, nhiệm vụ trên giao, cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức sử dụng lực lượng huy động phù hợp, hiệu quả.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.
 

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,325
  • Hôm nay159,495
  • Tháng hiện tại9,606,235
  • Tổng lượt truy cập493,469,673
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây