Gỡ vướng trong thực hiện hỗ trợ tiền học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm

Thứ tư - 16/08/2023 08:56

(CTTĐTBP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

dh sp hue 9949 16920859125481308491205

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116). Sau 2 năm học triển khai thực hiện Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như: Số lượng thí sinh và phụ huynh học sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên, tỷ lệ thí sinh đăng kí xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác, điều đó chứng tỏ các chính sách của Nghị định 116 đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên quá trình triển khai Nghị định 116 cũng đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Khó khăn, vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu

Theo thống kê, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, số sinh viên thuộc diện "đào tạo theo nhu cầu xã hội" và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ GD&ĐT) chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. Như vậy, có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.

Có 06 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó có 02 trường trọng điểm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 51 chỉ tiêu) ảnh hưởng kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.

Vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm

Hằng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GDĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.

Do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.

Khó khăn trong việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn

Tại Nghị định 116 giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và thực hiện những yêu cầu mới đặt ra, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Sửa đổi, bổ sung cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm

Theo Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục 2019 đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, cụ thể, tại khoản 4 Điều 85 quy định: "Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo".

Như vậy, các quy định về giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm chỉ là một trong các phương thức thực hiện để sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên khi triển khai phương thức này đã bộc lộ khó khăn, hạn chế như nêu trên. Để đảm bảo hướng dẫn chi tiết quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019 và thực thi chính sách hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau:

Vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, tuy nhiên quy định không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương thì tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2020 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học để phù hợp quy định của Nghị định 32). Quy định này sẽ đảm bảo:

Quy định rõ trách nhiệm ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) phải đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách (CSĐT thuộc Bộ, ngành trung ương thì NSTW đảm bảo kinh phí; CSĐT thuộc các địa phương thì địa phương bố trí kinh phí thực hiện), tránh trường hợp các địa phương không bố trí kinh phí thực hiện.

Đảm bảo các sinh viên sư phạm sẽ được chi trả kinh phí theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.

Đồng thời vẫn giải quyết được nhu cầu đặt hàng của các địa phương muốn đặt hàng tại các CSĐT của địa phương hoặc các CSĐT khác có chất lượng hơn theo nhu cầu của địa phương.

Bộ GD&ĐT cho biết, lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo hướng dẫn chi tiết quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019, thực thi thống nhất chính sách, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ./.

Link: https://baochinhphu.vn/go-vuong-trong-thuc-hien-ho-tro-tien-hoc-phi-sinh-hoat-phi-cho-sinh-vien-su-pham-102230815150257505.htm

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập998
  • Hôm nay118,985
  • Tháng hiện tại11,009,826
  • Tổng lượt truy cập470,902,513
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây