Đề xuất trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành CAND

Thứ ba - 01/10/2024 09:50
(CTTĐTBP) - Bộ Công an đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân (CAND).
cand 17276669038582134316135
Bộ Công an đề xuất quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành CAND

Bộ Công an cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thanh tra và 3 năm triển khai thực hiện Thông tư số 128/2021/TT-BCA của lực lượng Thanh tra chuyên ngành CAND cho thấy, căn cứ ban hành Thông tư số 128 là Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đã hết hiệu lực thi hành.

Một số quy định của Thông tư số 128 đến nay không còn phù hợp thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Thanh tra năm 2022 hiện hành dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn công tác, như: thẩm quyền ra quyết định thanh tra và ký ban hành kết luận thanh tra; chưa quy định về thời kỳ thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra, đình chỉ cuộc thanh tra; việc công khai kết luận thanh tra; việc thẩm định kết luận thanh tra…

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 128 là hết sức cần thiết để phù hợp với quy định hiện hành của Luật Thanh tra năm 2022 và quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về công tác thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND.

Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành

Dự thảo Thông tư nêu rõ trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành:

Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra

Trước khi ban hành quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ kế hoạch công tác thanh tra đã được phê duyệt; đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo việc thu thập thông tin phân tích, đánh giá sự cần thiết để phục vụ việc chuẩn bị thanh tra, bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Trường hợp cần làm rõ hoặc bổ sung thông tin để ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin bằng văn bản về nội dung dự kiến thanh tra hoặc cử cán bộ thanh tra được giao thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra.

Việc cử cán bộ thanh tra thu thập thông tin phải có từ 02 người trở lên và được thể hiện bằng văn bản; thời gian không quá 10 ngày làm việc. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thu thập thông tin phải báo cáo kết quả cho người giao nhiệm vụ.

Ban hành quyết định thanh tra

Theo dự thảo, việc ban hành quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây: Kế hoạch thanh tra hằng năm; theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng Công an cùng cấp giao; căn cứ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đối với cuộc thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp (để báo cáo), các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Trường hợp thanh tra đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì phải gửi quyết định thanh tra để báo cáo cơ quan giao nhiệm vụ thanh tra.

Công bố quyết định thanh tra

Chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra chủ trì việc công bố hoặc ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra thực hiện việc công bố quyết định thanh tra.

Khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, phạm vi thời gian thanh tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra và những nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra được lập thành biên bản lưu hồ sơ thanh tra.

Tiến hành thanh tra trực tiếp

Thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra: Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương; yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.

Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu: Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được để làm rõ nội dung thanh tra; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra...

Kết thúc thanh tra tại mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, Đoàn thanh tra phải lập biên bản thanh tra hoặc biên bản ghi nhận kết quả thanh tra.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-trinh-tu-thu-tuc-tien-hanh-thanh-tra-chuyen-nganh-cand-102240930103540409.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập662
  • Hôm nay163,988
  • Tháng hiện tại11,054,829
  • Tổng lượt truy cập470,947,516
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây