Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc ủy quyền cho các Sở Giao thông vận tải quản lý và tổ chức bảo trì một số tuyến quốc lộ đến nay là khoảng 13.972 km, chiếm khoảng 54,2% toàn bộ chiều dài quốc lộ. Thực tế việc ủy quyền này là cần thiết vì tận dụng được bộ máy và tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham gia công tác quản lý, bảo trì quốc lộ, cũng như huy động được nguồn lực của địa phương để bảo đảm giao thông khi xảy ra sự cố, thiên tai, bão lụt, đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương.
Hiện nay chiều dài quốc lộ đang có xu hướng tăng lên theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác, dự kiến trong năm 2025 sẽ đưa vào khai thác 3.000 km, đến năm 2030 đưa vào khai thác 5.000 km.
Trong điều kiện thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách tinh giảm bộ máy hành chính Nhà nước, để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng lên; Quốc hội đã ban hành Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025; trong đó đã quy định cụ thể về phân quyền, phân cấp quản lý quốc lộ tại khoản 3, khoản 4 Điều 8; đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy định về phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, bên cạnh việc xây dựng quy định về phân cấp quản lý quốc lộ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; theo Bộ Giao thông vận tải, việc ban hành Thông tư phân cấp quản lý quốc lộ là cần thiết.
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ số 35/2024/QH15:
"3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý quốc lộ, trừ quốc lộ quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và đường gom, đường bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các loại đường sau đây:
a) Quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; b) Quy định việc quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn;
c) Quản lý đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ.".
|
Tiêu chí về quốc lộ phân cấp
Dự thảo nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có quốc lộ đi qua địa bàn thực hiện việc quản lý, đầu tư, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ đối với tuyến, đoạn tuyến quốc lộ, trừ các trường hợp sau đây:
1- Quốc lộ đã giao, bàn giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
2- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ là đường bộ cao tốc do Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng.
3- Tuyến, đoạn tuyến tham gia mạng lưới đường bộ quốc tế; quốc lộ đi qua ba vùng kinh tế - xã hội trở lên.
4- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác.
5- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do nhà đầu tư, tổ chức kinh tế đang quản lý, vận hành theo hợp đồng đối tác công tư, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Phạm vi, nội dung phân cấp
Theo dự thảo, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý quốc lộ quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý 17.543,90 km; trong đó, phân cấp cho tỉnh Thái Nguyên quản lý 211,84 km; tỉnh Bắc Kạn quản lý 309,99 km; tỉnh Cao Bằng quản lý 542,68 km; tỉnh Hà Giang quản lý 543,36; tỉnh Tuyên Quang quản lý 553,03 km; tỉnh Phú Thọ quản lý 482,16 km…
Dự thảo nêu rõ, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý, đầu tư, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ tuyến, đoạn tuyến quốc lộ theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ và Khoản 1 Điều 7 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ đối với quốc lộ được phân cấp, báo cáo việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ đối với quốc lộ được phân cấp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng, phương tiện tham gia giao thông trên đoạn quốc lộ được phân cấp với tuyến, đoạn quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý và bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi với các tuyến đường khác trong khu vực.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-phan-cap-quan-ly-quoc-lo-102241021163030367.htm