Đề xuất quy định mới quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

Thứ sáu - 20/09/2024 07:19
(CTTĐTBP) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
dn1 1726657729534128636087
Đề xuất quy định mới quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 53/2016/NĐ-CP đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Tuy nhiên, qua thực hiện, cơ chế tiền lương, tiền thưởng hiện hành đang bộc lộ những hạn chế, bất cập: (i) có sự phân biệt giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước; (ii) chính sách tiền lương quy định nguyên tắc chung gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả nhưng chưa có sự phân biệt rõ theo quy mô năng suất và hiệu quả, giữa doanh nghiệp dẫn đến có chênh lệch khá lớn tiền lương, nhất là tiền lương của người quản lý giữa các doanh nghiệp ở ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; (iii) tiền lương của người quản lý mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường nên chưa tạo được động lực cho những người quản lý giỏi; (iv) thẩm quyền đánh giá, quyết định mức lương của người quản lý chưa phù hợp, trong đó đại diện chủ sở hữu (Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên) vẫn hưởng lương chung với Ban giám đốc, do doanh nghiệp chi trả, làm giảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả trong giám sát, chỉ đạo doanh nghiệp.

Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định nhiều nội dung cải cách tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 05 nội dung (dự kiến thực hiện ngay từ năm 2021 nhưng do tác động bởi đại dịch CCOVID-19 phải lùi sang thực hiện từ ngày 01/01/2025): (i) Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng thị trường; các doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động); (ii) Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; (iii) Phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với Ban điều hành, trong đó Ban điều hành hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động và có khống chế mức hưởng tối đa của Tổng giám đốc so với mức lương bình quân của người lao động; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; (iv) Nhà nước quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước và hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; (v) Loại trừ chi phí ảnh hưởng khi tính lương đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường; tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích.

Đồng thời, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW Trung ương cũng giao Chính phủ thực hiện thí điểm nội dung cải cách tiền lương đối với một số doanh nghiệp trong năm 2020. Theo đó, ngày 17/02/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với 03 tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) trong thời gian từ năm 2020 - 2024. Kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, các nội dung cơ chế tiền lương thí điểm theo Nghị quyết số 27-NQ/TW cơ bản phù hợp, làm cơ sở thực tiễn để thể chế thành quy định chính thức áp dụng chung cho các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2025.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) đã quy định doanh nghiệp nhà nước không chỉ có doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà bao gồm cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, cho nên trong cơ chế tiền lương cần có điều chỉnh nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa hai loại hình doanh nghiệp này.

Từ thực tế trên, để giải quyết những bất cập, hạn chế trong cơ chế tiền lương hiện hành, đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ nội dung cải cách tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị thì việc xây dựng Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết.

Đề xuất thêm phương pháp xác định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước gồm 30 Điều, được chia thành 6 Chương kèm theo 01 Phụ lục.

Trong đó, về tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Ban điều hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định việc xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng mang tính nguyên tắc và giao cho doanh nghiệp xác định, chi trả theo quy chế của doanh nghiệp.

Về phương pháp xác định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành, theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp được lựa chọn xác định quỹ lương thông qua mức tiền lương bình quân (như quy định hiện hành) hoặc đơn giá tiền lương ổn định trong 2 hoặc 3 năm phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất, kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo sự linh hoạt, ổn định cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo dự thảo, Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo những phương pháp sau: 1- Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; 2- Xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.

Dự thảo nêu rõ, tùy theo nhiệm vụ, tính chất ngành nghề, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp quyết định lựa chọn phương pháp xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân hoặc xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.

Đối với doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau và có thể tách bạch được các chỉ tiêu lao động, tài chính để tính năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động thì doanh nghiệp lựa chọn phương pháp phù hợp trong 2 phương pháp trên để xác định quỹ tiền lương tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động.

Theo dự thảo, doanh nghiệp lựa chọn phương pháp xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định thì phải duy trì áp dụng phương pháp xác định quỹ tiền lương đó trong thời gian doanh nghiệp đã lựa chọn áp dụng đơn giá tiền lương ổn định 02 năm hoặc 03 năm và phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cùng với đơn giá tiền lương ổn định trước khi thực hiện.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-quan-ly-lao-dong-tien-luong-thu-lao-tien-thuong-trong-doanh-nghiep-nha-nuoc-102240918181018498.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,580
  • Hôm nay356,246
  • Tháng hiện tại7,069,110
  • Tổng lượt truy cập490,932,548
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây