Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Thứ sáu - 27/10/2023 15:33

(CTTĐTBP) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024.

GTGT

Bộ Tài chính cho biết, ngày 13/10/2023, Bộ Tài chính đã có công văn số 11239/BTC-CST gửi xin ý kiến về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổng hợp nội dung đề xuất chính sách giảm thuế GTGT cho năm 2024 vào Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2011 - 2025.

Tại nội dung thứ năm điểm 1 Thông báo số 2913/TB-TTKQH ngày 22/10/2023 của Tổng thư ký Quốc hội thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiên nghị tiếp tục thực hiện thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội cho 06 tháng đầu năm 2024 có nêu: "Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, Tờ trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định".

Thực hiện Thông báo số 2913/TB-TTKQH nêu trên, để đảm bảo tiến độ trình Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo quy trình, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng Nghị quyết nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%

Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính lý do lựa chọn là: Luật thuế GTGT hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).

Thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,298
  • Hôm nay285,827
  • Tháng hiện tại9,358,759
  • Tổng lượt truy cập493,222,197
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây