Thực hiện Đề án Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước

Thứ sáu - 13/10/2017 16:37
Công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Phước hết sức quan tâm, xác định là nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào nghèo, đời sống khó khăn.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách, dự án về giảm nghèo bền vững, các chính sách, dự án này đã được thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, ban, ngành tỉnh đã tích cực thực hiện lồng ghép nhiều giải pháp với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 – 2015 và định hướng đến năm 2020” theo Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013 của HĐND tỉnh, bằng các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Qua 02 năm tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại 09 xã đặc biệt khó khăn, 12 xã biên giới và 23 thôn đặc biệt khó khăn với tổng số vốn là 69.326 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho 7.330 hộ đồng bào dân tộc thiểu số về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… đầu tư 101 công trình đường giao thông nông thôn, 10 công trình điện, 09 công trình trường học, 12 công trình nhà văn hóa.

Thực hiện Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn với 26.300 triệu đồng (gồm 10.000 triệu đồng vốn hỗ trợ và 16.300 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội), để hỗ trợ: nước phân tán 1.861 hộ, chuyển đổi ngành nghề 91 hộ, đất sản xuất 152 hộ, mua sắm nông cụ 1.139 hộ, duy tu, sửa chữa 38 công trình giếng nước tập trung theo Chương trình 134.

Tỉnh đã triển khai thực hiện 08 dự án hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư với tổng kinh phí thực hiện là 142.762 triệu đồng, thực hiện hoàn thành 04 dự án ĐCĐC (02 dự án ĐCĐC tập trung, 02 dự án ĐCĐC xen ghép) hỗ trợ ổn định 649 hộ dân; 04 dự án ĐCĐC tập trung cơ bản hoàn thành.

Hỗ trợ cho 746 hộ vay vốn phát triển sản xuất với kinh phí 5.968 triệu đồng; Hỗ trợ trực tiếp 54.471 khẩu thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn với kinh phí là 4.780 triệu đồng; hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật như giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao.

Bên cạnh các chương trình, chính sách do Trung ương hỗ trợ, các chính sách đặc thù của tỉnh được triển khai thực hiện ngoài mức hỗ trợ về nhà ở cho các hộ thuộc dự án ĐCĐC của Trung ương, tỉnh hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 6 tháng lương thực cho hộ được cấp đất sản xuất 10kg gạo/người/tháng; Hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân cho 38 lượt sinh viên, kinh phí 174,5 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ BHYT và 1,2 triệu đồng/năm tiền xăng cho người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS.

Có thể nhận thấy, Trong những năm qua, công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo. Các cấp, ngành đã có những quan tâm nhất định trong việc triển khai thực hiện; cơ quan thường trực của Đề án đã phát huy vai trò tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện giảm nghèo bền vũng cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến mạnh, tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu. Nhiều dự án, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS được thực hiện đã có tác động hỗ trợ mạnh mẽ giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc thực hiện đối ứng vốn Trung ương và thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương bằng ngân sách tỉnh còn thấp, có chính sách chưa thực hiện. Giải pháp hàng năm dành từ 3-5% nguồn thu ngân sách của tỉnh để đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS chưa được cụ thể hóa trong xây dựng dự toán ngân sách hàng năm. Các Đề án riêng của các sở, ngành được phân công chậm triển khai xây dựng. Nguyên nhân do ngân sách tỉnh những năm qua còn khó khăn, quỹ đất không còn để thực hiện hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ đất sản xuất.

 Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc khung chương trình giảm nghèo, cùng với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo ở các xã, thị trấn, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp của hộ gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, quen dần với sản xuất hàng hoá. Người nghèo đã được hỗ trợ cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của gia đình và bản thân. Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào ổn định chính trị và không ngừng củng cố quốc phòng - an ninh, tạo được tiền đề cơ bản cho những năm tiếp theo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND đã đề ra. 

Để tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của đề án trong giai đoạn 2016 – 2020, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Hàng năm tỉnh cần dành từ 3-5% nguồn thu ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cần được cụ thể trong dự toán ngân sách tỉnh.

Tiếp tục thực hiện các chính sách đang thực hiện ở giai đoạn 2014 – 2015; quy hoạch tạo quỹ đất hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu, không có đất ở, đất sản xuất từ đất rừng nghèo, đất rừng bị xâm canh lấn chiếm trái phép, đất thu hồi từ các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Tiếp tục cho chủ trương để quản lý và sử dụng đất sản xuất có hiệu quả với hình thức liên doanh, liên kết trồng cây cao su giữa các công ty cao su Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân với các hộ dân; đồng thời, các tổ chức, đơn vị tiếp nhận sử dụng lao động tại các vườn cây.

Phối, kết hợp giữa địa phương và các công ty, doanh nghiệp, đơn vị lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình để quy hoạch bố trí định cư cho người lao động dân tộc thiểu số đang làm việc tại các tổ chức, đơn vị trên địa bàn.

Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí. Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS và bảo vệ an ninh tổ quốc vùng DTTS. Đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề cho thanh niên DTTS theo những chương trình liên kết giữa địa phương với các dơn vị, tổ chức sử dụng lao động và cơ sở đào tạo.

Hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp trong vùng đồng bào DTTS. Ưu tiên hỗ trợ vốn vay để các HTX và xã viên có điều kiện ổn định đời sống, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS để liên kết, liên doanh đẩy mạnh hoạt động của các mô hình sản xuất tập thể trong vùng DTTS; cung ứng các mặt hàng chính sách, hàng hóa vật tư đầy đủ và kịp thời phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, hỗ trợ phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông, lâm thủy sản, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng dân tộc thiểu số...

Với những chính sách hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là chính sách đặc thù của địa phương, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở  đối với công tác giảm nghèo cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, khi thực hiện Đề án “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 – 2015 và định hướng đến năm 2020” sẽ làm cho đời sống đồng bào dân tộc thiêu số  tỉnh Bình Phước có những chuyển biến rõ rệt, góp phần hạn chế sự chênh lệch giàu, nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa các vùng vì sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

                                                                                                                                                                                                Bạch Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,067
  • Hôm nay249,044
  • Tháng hiện tại11,139,885
  • Tổng lượt truy cập471,032,572
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây