THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ KHỞI NGHIỆP: CHỈ CẦN MỘT ĐIỂM TỰA

Thứ hai - 21/03/2022 16:57
        Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Phong trào cũng tạo ra nhiều mô hình kinh tế hay, cách làm sáng tạo để các bạn trẻ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau” - chị Châu Thị Ánh, Bí thư Xã đoàn Quang Minh, huyện Chơn Thành chia sẻ.
 
Điểu Phơ dự định trao dồi, nâng cao tay nghề cắt tóc,
trang điểm và dạy nghề cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn
 
         Khởi nghiệp từ nguồn vốn ủy thác
         Những năm trước, cuộc sống của gia đình chị Thị Bé Lùn ở ấp Tranh 3, xã Quang Minh còn nhiều khó khăn. Nhờ tổ chức đoàn hỗ trợ, chị được vay 30 triệu đồng từ vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăm sóc vườn cao su. Nhận thấy đầu tư có hiệu quả, chị đã vay thêm 50 triệu đồng vốn sản xuất - kinh doanh, 20 triệu đồng vốn nước sạch và vệ sinh môi trường để đầu tư công trình nước sạch, mua phân bón cao su và nuôi heo rừng lai. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến nay vườn cao su của gia đình chị đã cho thu hoạch, đàn heo 12 con phát triển tốt. Kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định với thu lời bình quân 200 triệu đồng/năm.
       Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Điểu Phơ không thi vào cao đẳng, đại học như các bạn mà chọn con đường học nghề để lập thân, lập nghiệp. Vốn đam mê làm tóc và trang điểm, Điểu Phơ đã được Xã đoàn Quang Minh giới thiệu đi học nghề tại cơ sở có uy tín. Ra nghề, anh còn được Xã đoàn hỗ trợ vay 20 triệu đồng vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở tiệm và mua sắm trang thiết bị. Không phụ sự tin tưởng của tổ chức đoàn, sau 2 năm lập nghiệp, Điểu Phơ đã có lượng khách ổn định. Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, người thanh niên DTTS này còn biết tận dụng mạng xã hội để quảng bá, tìm kiếm thêm khách hàng.
Điểu Phơ cho hay: “Khi bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi mười tám, đôi mươi, mình rất lo về tài chính và sợ thất bại. Được sự giúp đỡ của đoàn thanh niên, mình đã biến lo lắng đó thành động lực để vươn lên. Mình nghĩ rằng, với vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp, dù bất cứ ở lứa tuổi nào, nếu có đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm thì sẽ gặt hái được thành công”. Ngoài trau dồi, nâng cao tay nghề, Điểu Phơ dự định sẽ nhận đào tạo nghề cho các bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn để cùng phát triển.
         Sự đồng hành của tổ chức đoàn
        Xã Quang Minh hiện có 460 đoàn viên, thanh niên, gần 70% trong số đó là đoàn viên, thanh niên DTTS. Ban đầu, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên DTTS gặp nhiều khó khăn do các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn và chưa được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, phương thức làm kinh tế hiệu quả.
“Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên DTTS phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Phong trào cũng tạo ra nhiều mô hình kinh tế hay, cách làm sáng tạo để các bạn trẻ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ cùng tiến bộ” (Chị Châu Thị Ánh, Bí thư Xã đoàn Quang Minh).
       Nắm bắt nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp trong các bạn trẻ, Xã đoàn đã chủ động khảo sát nhu cầu học tập và việc làm của đoàn viên, thanh niên, từ đó có sự tư vấn, định hướng kịp thời. Cùng với chính quyền, Xã đoàn thường xuyên tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên các chươngtrình lập nghiệp, khởi nghiệp; tổ chức tham quan mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác, đặc biệt, tổ chức cho các bạn trẻ giao lưu, học hỏi với những nhà đầu tư, doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công từ số vốn nhỏ. Xã đoàn cũng phối hợp Hội Nông dân tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi.
Liên quan đến vốn khởi nghiệp, Xã đoàn đã tích cực triển khai chương trình vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo cơ hội giúp đoàn viên, thanh niên phát huy nội lực, phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ năm 2020 đến nay, toàn xã có 18 đoàn viên, thanh niên DTTS được tiếp cận các nguồn vốn vay với tổng 720 triệu đồng để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi hoặc mở tiệm trang điểm, cắt tóc.
        Sự đồng hành của tổ chức đoàn đã tạo động lực cho thanh niên DTTS thực hiện được ước mơ của mình. Chị Thị Luyến ở ấp Tranh 3, xã Quang Minh chia sẻ, theo phong tục của gia đình, từ năm 15 tuổi, chị đã được cha mẹ cho 1 ha điều để học cách làm kinh tế và rèn luyện lối sống tự lập. Sự động viên của gia đình và hỗ trợ thiết thực về vốn của đoàn thanh niên đã giúp chị Luyến tự tin hơn trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
       Bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm và sự đồng hành của tổ chức đoàn, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp đang lan tỏa rộng rãi trong đoàn viên, thanh niên DTTS ở xã Quang Minh. Từ thực tế cho thấy, trong mỗi đoàn viên, thanh niên DTTS luôn cháy bỏng nhiệt huyết, sự tự tin, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chỉ cần cho họ một điểm tựa, họ sẽ gặt hái được thành công.

Tác giả: Ngọc Huyền, Đặng Hùng - Báo BP

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập647
  • Hôm nay261,795
  • Tháng hiện tại6,974,659
  • Tổng lượt truy cập490,838,097
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây