Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động trên địa bàn tỉnh luôn là lực lượng gương mẫu đi đầu trong việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19, đặc biệt là tiêm đầy đủ các liều bổ sung, nhắc lại và tuyên truyền để người thân trong gia đình, cộng đồng xung quanh nâng cao nhận thức, chủ động tiêm vắc xin bổ sung (mũi 3, 4) để chung tay đẩy lùi các nguy cơ do dịch bệnh Covid-19 gây nên.
Công chức, người lao động Ban Dân tộc đăng ký trước khi tiêm vắc xin
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua, việc tiêm vắc xin được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả và quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, giảm sự lây lan, giảm nguy cơ tử vong. Đặc biệt, là đối với người lớn tuổi và người có các bệnh mạn tính, bệnh nền. Theo các chuyên gia Y tế, các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin phòng, chống Covid-19 không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, khả năng tình dục và cũng không ghi nhận các tác dụng phụ như tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ…Do đó, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng vô căn cứ, để mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4.
Việc tiêm vắc xin là hết sức cần thiết và là trách nhiệm của mỗi công dân nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, theo đó 100% cán bộ, công chức, người lao động Ban Dân tộc đã tiêm vắc xin mũi bổ sung nhắc lại (mũi 4).
Công chức, người lao động Ban Dân tộc tiêm vắc xin tại bệnh viện Đa khoa tỉnh
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của một số biến thể mới, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng. Chính vì thế, việc tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 liều bổ sung, nhắc lại thời điểm này là rất cần thiết. Đây không chỉ là quyền lợi đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, nhằm chung tay ngăn chặn phòng, chống tái phát của dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.