BẢO TỒN NGHỀ DỆT THỔ CẨM CỦA DÂN TỘC M’NÔNG

Thứ ba - 26/10/2021 08:42
       Thổ cẩm là một trong những sản phẩm mang sắc thái văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc M’nông ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Vì yêu nghề truyền thống, lo sợ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình bị mai một nên đồng bào nơi đây tha thiết đề nghị chính quyền các cấp và ngành chức năng có giải pháp bảo tồn nghề truyền thống này.
Ông Điểu Dương, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hòa và các nghệ nhân dệt thổ cẩm trong thôn
chiêm ngưỡng, phân tích hoa văn thổ cẩm

         Truyền dạy cho thế hệ trẻ
         Những ngày rảnh rỗi, bà Thị An Đê, thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn lại làm công việc mình yêu thích, đó là dệt những tấm thổ cẩm để làm quầy, khố, mền, túi xách, áo… Đây là những sản phẩm truyền thống được sử dụng trong đời sống thường ngày, mang đậm nét văn hóa của người M’nông. Nhiều năm trước, việc dệt thổ cẩm trong thôn rất phổ biến. Nhà nào cũng có vài khung dệt, phụ nữ hầu như ai cũng biết làm nghề truyền thống này. Hoa văn trên thổ cẩm được dệt tinh tế, phong phú với nhiều họa tiết gần gũi giữa con người với thiên nhiên, đặc trưng lao động, sản xuất của đồng bào và sáng tạo trong phối màu. 
        Năm 2006, để bảo tồn nghề dệt truyền thống của đồng bào M’nông, UBND huyện Bù Đăng phối hợp Sở Công Thương và các cơ quan liên quan thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa gồm 35 thành viên do bà Thị An Đê, nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ quy tụ những người có nhiều kinh nghiệm dệt trong thôn, xã. Qua đó vừa đào tạo, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ vừa tạo ra những sản phẩm để trưng bày, bán cho khách du lịch, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, do không tìm được đơn vị ký kết tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động của câu lạc bộ rời rạc, cầm chừng, dần dần bị giải thể. 
        Theo bà Thị K’minh, nghệ nhân thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: Thổ cẩm có rất nhiều ý nghĩa đối với đồng bào M’nông. Nhà nào có nhiều thổ cẩm được coi là giàu có, sang trọng. Thổ cẩm được dùng làm quà tặng cô dâu và 2 bên sui gia trong ngày cưới. Khi người con gái đi lấy chồng, được mẹ đẻ tặng tấm thổ cẩm to, đẹp sẽ rất hãnh diện với bà con, dòng họ. Trong các dịp lễ, tết, các cô gái khoác lên mình những tấm thổ cẩm mới, nhiều hoa văn sặc sỡ, lộng lẫy do chính tay mình dệt nên thể hiện sự giỏi giang, khéo léo. Những tấm thổ cẩm đó cũng chính là niềm tự hào của các cô gái, là một trong những tiêu chí để các chàng trai M’nông lựa chọn làm người yêu, làm vợ. 
          Đến nay, nhiều hộ đã cất khung dệt, làm những công việc khác trong lúc nông nhàn như: cạo vỏ lụa hạt điều, đi làm công nhân… thay vì dệt thổ cẩm như trước đây. Vì vậy, số người còn dệt thổ cẩm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu làm vì đam mê và nhu cầu sử dụng. 
         Thừa nhận để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm bằng phương pháp thủ công sẽ mất nhiều thời gian, giá bán cao, do vậy tiêu thụ chậm, bà Thị An Đê trăn trở: “Những người già trong thôn, xã có kinh nghiệm dần dần sẽ mất đi, nghề dệt đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, những lúc ngồi dệt, tôi thường chỉ dạy cho con gái và các cháu để sau này biết lưu giữ văn hóa của dân tộc mình”. 
         Tạo thị trường đầu ra
         Trước kia, để dệt được một tấm thổ cẩm, bà con phải vào rừng lấy vỏ cây c’ra-bau về tước nhỏ, sau đó phơi khô và nhuộm màu để dệt thành các sản phẩm khác nhau. Về sau, người M’nông biết trồng cây bông vải, thu hoạch lấy bông để làm nguyên liệu dệt. Cây bông vải của người M’nông trồng để dệt là loại cây cao lớn, trồng một lần có thể thu hoạch được lâu dài. Sau khi thu bông vải, bà con tách hạt, dùng khung quay thành sợi. 
         Việc nhuộm màu cũng rất cầu kỳ. Bà con phải vào rừng tìm các loại cây về chế biến thành những màu sắc phù hợp ý tưởng hoa văn cần dệt. Có thể kể đến một số loại cây như: la-tum dùng để nhuộm màu đen, trái cây “kon-đơi” để nhuộm màu đỏ, màu nâu sử dụng cây “la-zol” và cây “ria” để nhuộm màu vàng… Quy trình chế biến nguyên liệu nhuộm của mỗi màu cũng khác nhau. Tuy nhiên ngày nay, trên thị trường đã bán nhiều loại len sợi công nghiệp với đủ màu sắc nên việc lựa chọn màu và mua nguyên vật liệu dễ dàng hơn.
         Ông Điểu Khuê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng chia sẻ: “Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con người M’nông có rất nhiều câu chuyện gắn với thổ cẩm, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, nên việc đề nghị các cấp, ngành giữ gìn nghề dệt thổ cẩm là rất cần thiết và cấp bách”. 
       Bà Thị Diệu Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Huyện Bù Đăng có 41% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào M’nông chiếm tỷ lệ cao. Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng biệt của bà con nơi đây. Do vậy, UBND huyện đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ bà con dân tộc M’nông trong việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời kết nối tìm đầu ra để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa để gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc.    
 

Tác giả: Quang Minh - Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,113
  • Hôm nay39,889
  • Tháng hiện tại7,132,172
  • Tổng lượt truy cập490,995,610
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây