Ngày 23/11, trường Chính trị tỉnh tổ chức “Hội thảo khoa học công tác biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S’tiêng”.
Trong những năm qua nhiều nhà khoa học, quản lý, các thế hệ tri thức người dân tộc S'tiêng trong và ngoài tỉnh đã có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về ngôn ngữ dân tộc S'tiêng. Tại “Hội thảo khoa học công tác biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S’tiêng” đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho Ban biên soạn.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Hiệu trưởng trường Chính trị
tỉnh Bình Phước phát biểu khai mạc Hội thảo
Chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc S’tiêng là tài liệu được biên soạn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng S'tiêng và kỹ năng đọc, viết chữ viết của dân tộc S'tiêng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở vùng dân tộc thiểu số và người có nhu cầu học tập, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào S'tiêng.
Theo dự thảo chương trình khung, tài liệu được cấu trúc thành 2 phần với tổng thời lượng 450 tiết. Phần kiến thức và kỹ năng tổng hợp, rèn luyện, phát triển ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết 400 tiết cấu trúc trong 10 chuyên đề. 50 tiết còn lại thuộc phần thực hành giao tiếp trong thực tiễn và ôn tập kiểm tra. Mỗi bài học cũng có cấu trúc cụ thể với các nội dung về: rèn luyện kỹ năng đọc - từ ngữ - ngữ pháp - luyện nghe - luyện nói - luyện viết.
Các đại biểu tham gia Hội thảo tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho công tác biên soạn tài liệu liên quan đến chương trình khung, thực trạng tài liệu dạy và học tiếng S’tiêng (tài liệu đã ban hành năm 2007), những thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
So với tài liệu dạy tiếng dân tộc S'tiêng cho cán bộ, công chức ban hành theo Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Bình Phước thì dự thảo tài liệu lần này có nhiều điểm chỉnh sửa, bổ sung trên quan điểm là phải phù hợp với đối tượng, đáp ứng những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, đảm bảo nguyên tắc tích hợp trong từng bài học…
Ông Điểu Điều - Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo
Phát biểu kết luận tại buổi hội thảo, ông Điểu Điều - Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý, các thế hệ trí thức dân tộc S'tiêng đã đóng góp, chia sẻ các nội dung liên quan đến công tác biên soạn bộ tài liệu tiếng dân tộc S'tiêng cho cán bộ, công chức, viên chức. Trong thời gian tới, Ban biên soạn tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện bộ tài liệu và đưa vào kế hoạch giảng dạy tiếng S’tiêng đến cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc và công tác tại vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh.