Thực hiện Thông tư 04 ngày 30/6/2010 của Bộ VHTT&DL về việc tiến hành tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTT&DL phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tổng điều tra trên phạm vi là di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng đất Bình Phước. “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước” là một trong 25 Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được phê duyệt theo Quyết định số 841/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên được công nhận ở Bình Phước theo Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 của Bộ VHTT&DL.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng tỉnh Bình Phước
Nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến nhân dân trong và ngoài tỉnh về giá trị của di sản văn hóa. Sáng ngày 23/11, Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Buổi lễ đã được phát trực tuyến trên các trang Fanpage “Bảo tàng Bình Phước”, “Tuyên giáo Bình Phước”, “Tự hào Bình Phước”…
Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
trao Quyết định và Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện cộng đồng người S’tiêng Bình Phước
Rượu cần theo tiếng S’tiêng gọi là Đ’rắp S’lung hay Rơ nơm Đ’rắp, là thức uống truyền thống lâu đời và độc đáo của người S’Tiêng Bình Phước, đây cũng là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng hay các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người S’Tiêng. Trải dài theo năm tháng, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước đã trở thành một trong những giá trị văn hóa độc đáo của người S’tiêng Bình Phước nói riêng và mang đậm dấu ấn văn hóa của Bình Phước nói chung được duy trì và bảo tồn cho đến ngày nay.
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi Lễ
Tại buổi lễ, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã trao quyết định và giấy chứng nhận đưa di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 6 địa phương đang còn duy trì di sản gồm: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng, Phước Long, Lộc Ninh.