Độc đáo đàn tre của người S’tiêng

Thứ ba - 22/11/2022 10:31
Đàn tre, có dân tộc gọi là đàn chapi là một trong các loại nhạc cụ có chất liệu làm từ thiên nhiên của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Loại nhạc cụ này rất ít người có thể sử dụng và biết chế tác. Trên địa bàn huyện Bù Đăng hiện chỉ một vài người có thể làm ra loại đàn này, trong đó có ông Điểu Nghiêng ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh.

Ở tuổi 64, ông Điểu Nghiêng vẫn dành tình cảm cho loại nhạc cụ mà chính ông cũng cảm thấy rất đặc biệt của dân tộc mình, đó là đàn tre loại 6 dây. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã mê mẩn âm thanh phát ra từ loại nhạc cụ này. Và để có một đàn tre ưng ý, ông chú tâm học cách làm đàn từ năm 14 tuổi. Hơn 40 năm qua, ông không nhớ đã làm ra bao nhiêu cây đàn để thay thế những chiếc bị đứt dây, hư hỏng hoặc tặng người biết cách sử dụng nó. Ông Điểu Nghiêng cho biết: “Ở trong sóc hồi trước có mấy ông già biết làm loại đàn này, mà giờ không còn ai nữa, "theo ông bà" hết rồi”.

Theo ông Điểu Nghiêng, đàn tre, tiếng S’tiêng gọi là “đinh jut” thuộc bộ dây, được làm từ một ống tre lồ ô, đường kính từ 5-6cm, dài khoảng 50-60cm. Đàn có 2 loại 8 dây và 6 dây. Lồ ô làm đàn được ông lựa chọn kỹ, phải là cây lồ ô “vừa tuổi”. Việc chế tác đàn cũng khá độc đáo khi tất cả nguyên vật liệu nằm ngay trên thân của một ống tre, kể cả... dây đàn. Để tạo ra một cây đàn hoàn chỉnh, ngoài kỹ thuật dùng dao nhọn để cắt, khắc, gọt, đục… còn cần khả năng thẩm âm của người làm đàn khi cân chỉnh từng sợi dây để có được âm thanh như ý. Vì vậy, người chế tác đàn cũng phải biết sử dụng thành thục đàn.
 

09282222112022
Anh Điểu Cóc đang chăm chú học làm đàn - Ảnh: Đặng Hùng

Ông Điểu Nghiêng cho biết thêm: “Khi làm khó nhất là kỹ thuật tạo dây đàn. Mình dùng dao nhọn cắt và tách làm sao cho thật khéo tay, để khảy ra 1 sợi dây trên lưng ống lồ ô nhưng phải giữ nguyên được 2 đầu, lần lượt như vậy cho được 6 sợi dây, rồi bỏ thanh ngựa vào để nâng lên, không khéo thì dễ bị đứt lắm. Làm xong, mình thử nếu nó không kêu thì gần như là thất bại, phải bỏ đi lấy ống tre khác làm lại. Hồi nhỏ, mình cũng phải kiên trì tập nhiều lắm mới học được cách làm mấy cái dây đàn này”.

Nhiều lần được nhìn thấy ông Điểu Nghiêng biểu diễn đàn dây trong lễ hội hoặc các buổi sinh hoạt cộng đồng ở địa phương, anh Điểu Cóc rất tò mò, muốn khám phá sự hấp dẫn của đàn. Và anh cũng là một trong số rất ít người trẻ ở sóc Bom Bo có hứng thú với loại nhạc cụ này.

Biết anh Điểu Cóc có niềm đam mê nên ông Điểu Nghiêng sẵn lòng truyền dạy để sau này anh có thể làm và sử dụng được loại đàn này. Anh Điểu Cóc chia sẻ: “Hồi xưa đi rẫy, những lúc buồn thường chỉ nghe tiếng chim, sáo hót vu vơ. Hiện nay, mình thấy loại đàn này có thể mang đi bất cứ đâu, lúc làm rẫy mệt, mình có thể tự đánh đàn để giải trí. Mình muốn học và khuyến khích nhiều người cùng chơi để giữ gìn, phát huy nét độc đáo này của dân tộc”.

Cùng với cồng, chiêng… đàn tre đã được ghi nhận là loại nhạc cụ đặc sắc cần được gìn giữ và bảo tồn của đồng bào S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, đây là loại nhạc cụ không dễ chế tác, sử dụng. Hiện rất ít người còn biết đến loại đàn này cũng là thách thức trong công tác bảo tồn của ngành văn hóa địa phương.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Bù Đăng, người đã nghiên cứu sâu về loại đàn này chia sẻ: Việc làm đàn đã khó, biết cách đánh đàn còn khó hơn, vì rất dễ đứt dây. Cả cây đàn chỉ cần đứt 1 dây là coi như bỏ… Chính vì độ khó và khắt khe của loại đàn này mà lớp trẻ ngày nay ở các ấp, sóc thường ngại chơi và đặc biệt ngại nghiên cứu về loại đàn này.

Thực tế là vậy nên việc tìm người kế thừa và gìn giữ loại nhạc cụ đặc biệt này không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành văn hóa mà còn là thách thức của chính những nghệ nhân thông thạo loại đàn này ở địa phương.

Chỉ từ một ống tre đơn thuần nhưng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, người đam mê đàn, một nhạc cụ độc đáo đã hình thành, có thể tấu lên những khúc nhạc yêu đời. Hy vọng với tấm lòng rộng mở và thiết tha hướng dẫn, truyền dạy của các nghệ nhân nói chung, ông Điểu Nghiêng nói riêng, rồi đây sẽ có nhiều người biết chế tác cũng như sử dụng, để loại nhạc cụ này không bị mai một. Đó cũng là cách thiết thực nhất để giữ gìn vốn quý của di sản văn hóa bản địa trên đất Bình Phước.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,383
  • Hôm nay119,956
  • Tháng hiện tại10,734,251
  • Tổng lượt truy cập470,626,938
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây