Trong Báo cáo số 6055/BC-VPCP, Văn phòng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến công tác triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Cụ thể, Cổng DVC quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12/2019, đến nay đã cung cấp 3.805 DVC trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký; hơn 720 triệu truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,78 nghìn tỷ đồng; đã tiếp nhận, xử lý hơn 189 nghìn cuộc gọi tới tổng đài và hơn 46 nghìn phản ánh, kiến nghị. Văn phòng Chính phủ đánh giá: “Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tỉnh: Bình Phước, Bình Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Long An, Khánh Hòa, Kon Tum…”.
Cũng theo báo cáo, 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, Bình Phước thuộc tốp khá cả nước với tổng số giao dịch 8.701, tỷ lệ giao dịch thành công 45,37%. Thanh toán thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện TTHC về đất đai, Bình Phước thuộc tốp cao với tổng số giao dịch 8 tháng đầu năm 2022 là 60.222, tỷ lệ giao dịch thành công 79,28%. Về kết quả thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính năm 2022 (tính đến ngày 23/8/2022), Bình Phước thuộc tốp 10 với tổng số hồ sơ 17.921, hoàn thành 16.864, chiếm tỷ lệ 94,1%. Về tiến độ giải quyết TTHC 8 tháng đầu năm 2022, Bình Phước thuộc tốp 3 cả nước, với tỷ lệ hồ sơ đúng hạn, trong hạn đạt 96%.
Về hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, đến nay đã có 53/63 địa phương thực hiện thống nhất 2 hệ thống này, trong đó có Bình Phước. Việc hợp nhất giúp giảm đầu tư chồng chéo các phân hệ chức năng giữa 2 hệ thống, tăng cường việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ.
Việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương đã được triển khai theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch. Trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Tính đến ngày 28/7/2022, Bình Phước thuộc tốp cao cả nước về số văn bản nhận - gửi qua Trục liên thông văn bản quốc gia (tương ứng 35.086 - 4.546 văn bản).
Về tình hình cung cấp thông tin, dữ liệu của các địa phương trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bình Phước đã cung cấp đủ số liệu 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và đã cung cấp đủ thông tin về giới thiệu tỉnh theo quy định./.