hoi thi sngoaivu

BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ (Thứ Sáu, ngày 7/12/2018)

Thứ hai - 10/12/2018 09:43 568
Tin nổi bật

- OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ từ 2019;
- Dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ổn định ở mức 3,7%;
- Xuất khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng chậm hơn trong tháng 11;
- Mỹ bổ nhiệm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer là Trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc trong vấn đề thương mại;
- Giám đốc Tài chính Công ty Huawei bị bắt do cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran;
- EC đề xuất tăng cường vai trò của đồng Euro trong giao dịch quốc tế;
- Chính phủ Nhật Bản dự định dừng mua các thiết bị từ Huawei và ZTE;
- Tin chuyên sâu: Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu "chuyển đổi xanh"?
- Bài phân tích: Dự báo Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019: Tăng trưởng chậm hơn, nhiều bất trắc hơn.
A. KINH TẾ THẾ GIỚI
  • Trước thềm cuộc họp thường kỳ (6-7/12) của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hãng tin TASS cho hay, Nga và các nước thành viên OPEC đang trao đổi về khả năng đưa sản lượng dầu mỏ năm 2019 về mức của năm 2016, tức là cắt giảm 1 triệu thùng/ngày từ sản lượng hiện tại. Ngày 5/12 Tổng thống Mỹ D. Trump đã kêu gọi OPEC không cắt giảm mà giữ nguyên sản lượng như hiện nay. Kết thúc cuộc họp ngày 6/12, OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày từ năm 2019 nhưng Nga chưa nhất trí với phương án này. Nhiều khả năng, con số cụ thể sẽ được thống nhất tại cuộc họp ngày 7/12 có sự tham gia của Nga. (Reuters, CNBC, 5-6/12)
1. Mỹ:
  • Dự báo trong tháng 11, nước Mỹ đã tạo thêm 198 nghìn việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3,7% và thu nhập bình quân theo giờ tăng trưởng ở mức 3,1%. (Bloomberg, 06/12)
  • Ngày 05/12, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm, với chỉ số Dow Jones giảm gần 3,1%, sau khi có nhiều thông tin không thống nhất về các thỏa thuận đã đạt được tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc. Cụ thể, Tổng thống Trump và các cộng sự đã đề cập đến các nhượng bộ mà Trung Quốc dành cho Mỹ, nhưng các thông tin này chưa được Bắc Kinh khẳng định. Theo chuyên gia tư vấn đầu tư Willie Delwiche, các nhà đầu tư cho rằng, các thỏa thuận đạt được trên thực tế là ít hơn các tuyên bố của cả Mỹ và cả Trung Quốc. Bên cạnh đó, mối quan ngại kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong vòng 1-2 năm tới, kéo theo kinh tế toàn cầu, Brexit và khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản khiến thị trường chứng khoán mất điểm. (ABC News, 5/12)

2. Trung Quốc:
  • Ngân hàng TW Trung Quốc đã tạm dừng việc tăng tính thanh khoản cho thị trường trong 11 do gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa các khoản hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc. Vừa qua, một loạt các biện pháp tác động đến tính thanh khoản của thị trường đã được thực hiện nhằm ổn định nền kinh tế như bơm 460 tỷ NDT vào tháng 10 hay thu về 230 tỷ NDT vào tháng 9 (SCMP,5/12).
  • Do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ngành công nghiệp rô-bốt của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, sản xuất robot của Trung Quốc đã giảm 16,4% trong tháng 9 sau khi tăng trưởng nhanh 30% hàng tháng trong 5 tháng đầu năm nay, và sau đó giảm nhẹ khoảng 7,5% từ tháng 6 đến tháng 8 (SCMP, 6/12).
  • Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ chậm lại do nhu cầu toàn cầu chậm lại và ảnh hưởng từ căng thẳng Mỹ - Trung. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu, xuất khẩu Trung Quốc dự kiến tăng 10% trong tháng 11, chậm hơn so với mức tăng 15,6% của tháng 10/2018, trong khi nhập khẩu dự kiến tăng 14,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 21,4% trong tháng 10. (Reuters, 6/12).
3. Khu vực châu Âu:
  • Trong cuộc họp ngày 4/12 tại Brussels, Bỉ, các Bộ trưởng tài chính thuộc 27 nước thành viên EU, không có Anh, đã nhất trí thúc đẩy cải cách khu vực Eurozone để có được giải pháp chống đỡ tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính.Theo thỏa thuận mới, các Bộ trưởng tài chính các nước EU đã nhất trí mở rộng trách nhiệm của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) được ví như biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các nước Eurozone gặp khủng hoảng nợ công và ESM là giải pháp sau cùng mà các nước EU cầu viện trong trường hợp các ngân hàng lớn nhất châu Âu hứng chịu một cuộc khủng hoảng lớn. Kế hoạch còn bao gồm các quy định thúc đẩy cải cách để xử lý khủng hoảng tài chính, thay cho đề xuất thiết lập một ngân sách ứng phó khủng hoảng chung cho Eurozone như ý tưởng của Pháp và đã được Đức nhất trí.
  • Ngày 6/12, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục hối thúc các nghị sĩ trong Quốc hội ủng hộ thỏa thuận sơ bộ về Brexit và cảnh báo nếu các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận sơ bộ mà bà đã đạt được với giới lãnh đạo EU, thì phương án duy nhất sẽ là Brexit không có thỏa thuận hoặc sẽ không có Brexit. (AFP, 6/12)
  • Ngày 5/12, Thủ tướng Pháp thông báo chính phủ nước này hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong dự toán ngân sách năm 2019. Trước đó, ngày 4/12, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định tạm đình chỉ tăng thuế này trong 6 tháng. Ngoài ra, với nỗ lực dập tắt cuộc khủng hoảng với làn sóng biểu tình "áo vàng" phát động diễn ra trên cả nước, Chính phủ Pháp quyết định hoãn tăng mức giá tối thiểu đối với nông sản, đồng thời thông báo sẽ cân nhắc khôi phục lại "Thuế nhà giàu" (ISF) nhằm vào những hộ gia đình có thu nhập cao. (Reuters, 6/12)
4. Nhật Bản và Hàn Quốc:
  • Theo kết quả khảo sát ý kiến chuyên gia, nhà đầu tư của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) về tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đến Hàn Quốc, 81% ý kiến nhất trí căng thưởng thương mại kéo dài là vấn đề lớn nhất có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính của Hàn Quốc. Hàn Quốc là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới, do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và các thị trường nước ngoài và Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. (Korea Post, 5/12)
  • Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tăng trưởng chậm hơn ước tính ban đầu trong quý 3/2018 do dự báo chi tiêu vốn giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự kiến đối mặt với nhiều lực cản trong năm 2019. Khảo sát ý kiến ​​của Reuters đối với 16 nhà kinh tế dự cho thấy kinh tế Nhật Bản đã “co hẹp” 1,9% trong giai đoạn tháng 7-9/2018, cao hơn mức dự báo 1,2% trước đó. (Reuters, 06/12)
5. ASEAN:
  • Xuất khẩu tháng 10 của Ma-lai-xia tăng 17,7% so với năm 2017, đạt mức kỷ lục 96,38 tỷ Ringgit (~23,19 tỷ USD), chủ yếu nhờ xuất khẩu sản phẩm điện tử và nhu cầu tăng cao của Trung Quốc. (Nikkei Asian Review, 5/12)
  • In-đô-nê-xia đang kêu gọi 60 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc trong nỗ lực tận dụng Sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh, bất chấp những lo ngại ngày một tăng lên về các khoản vay quốc tế của nước này. (Channel News Asia, 5/12).
  • Phòng Thương mại Thái Lan dự đoán tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ đạt mức 4-4,3% và xuất khẩu sẽ tăng trưởng đạt 5-7% vào năm tới. Những yếu tố bên ngoài làm giảm tốc nền kinh tế nước này gồm tác động từ Brexit và căng thẳng thương mại My – Trung Quốc. (Bangkok Post, 5/12).
  • Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Phi-líp-pin, lạm phát giảm từ 6,7% vào tháng 10 - mức cao kỷ lục trong 9 năm, xuống còn 6% - mức thấp nhất trong 4 tháng qua nhờ vào sự chững lại trong tăng giá thực phẩm và nhiên liệu (Manila Standard, 5/12).
  • Chỉ số PMI ngành dịch vụ của Ấn Độ tăng cao nhất trong 2 năm, đạt 53,7 vào tháng 11, tăng từ 52,2 vào tháng 10. Số liệu cho thấy, đóng góp chủ yếu cho kỷ lục mới này là nhờ nhu cầu nội địa tăng cao (IHS Markit, 5/12).

B. KINH TẾ VIỆT NAM
  • Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Hiện dân số Việt Nam đạt gần 95 triệu người. Trong đó, tỉ lệ dân số sử dụng Internet chiếm hơn 60%. Thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng mỗi ngày. Quản lý nhà nước trong mảng nội dung số cần bỏ bớt quy định, giấy phép (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm). Trong khi đó, lĩnh vực nội dung số đòi hỏi phải luôn luôn thay đổi, nếu liên tục đi xin giấy phép khi có thêm tính năng mới thì không thể cạnh tranh được. (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 5/11)
  • Theo Vietnam Airlines, công suất bay của tất cả 21 sân bay trên toàn quốc đủ phục vụ 75 triệu lượt khách/năm, bằng 1/3 công suất các sân bay tại Thái Lan. Tuy nhiên hiện nay, các sân bay đang trong tình trạng quá tải, phục vụ 95 triệu lượt khách (năm 2017) và dự kiến 105 triệu lượt khách trong năm 2018. (TCDL, 6/11)

C. QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ
  • Về kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị G20, báo chí quốc tế nhận định, dường như Trung Quốc cũng đã sợ Tổng thống Trump và buộc phải nhượng bộ tại G20. Trung Quốc đã nhất trí tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là hàng nông sản là những bang có tiếng nói quyết định với phiếu bầu của Tổng thống Trump. Nhưng điểm mấu chốt vẫn nằm ở vấn đề sở hữu trí tuệ và thâm nhập mạng mà Tổng thống Trump ra thời hạn 90 ngày để Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ cụ thể. Nếu nhượng bộ trong vấn đề này, Trung Quốc sẽ phải thay đổi mô hình kinh tế và chính trị mà đây là điều không thể. Trung Quốc cũng sẽ phải chi ra khoản tiền lớn để mua thêm hàng của Mỹ, đủ để Trump không quyết định áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Trump đã tạo được lợi thế cả về kinh tế và chính trị. Liệu Trung Quốc đã nhượng bộ đủ để Tổng thống Trump có thể tuyên bố giành được chiến thắng lịch sử hay chỉ dừng ở mức thừa nhận những lời phàn nàn, chỉ trích của Tổng thống Trump và làm chậm lại quyết tâm của Trump trong việc thay đổi cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc kinh tế.  Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu tích cực trên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Mỹ chưa khiến Trung Quốc phải có những bước nhượng bộ thực chất trong vấn để nổi cộm liên quan đến việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Thực tế Mỹ cũng chưa đạt được “thành quả thực chất” gì. (ĐSQVN tại Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, 3/12)
1. Mỹ
  • Ngày 03/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo Tổng thống Trump đã bổ nhiệm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer là Trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc liên quan vấn đề thuế quan, tiếp cận thị trường và sở hữu trí tuệ trong vòng 90 ngày tới. (ĐSQVN Việt Nam tại Hoa Kỳ, 5/12)
  • Tổng thống Mỹ D.Trump nhận định, Trung Quốc đang tích cực hành động trong vấn đề thương mại sau cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 01/12, dù vẫn chưa rõ chính xác hai bên đã đạt được những thỏa thuận gì. Trung Quốc sẽ sớm triển khai các thỏa thuận hai bên đạt được đồng thuận và sẽ đẩy mạnh đàm phán thương mại trong thời hạn 90 ngày. Theo Bloomberg, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị để tái nhập khẩu đậu tương và khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. (Bloomberg, 05/12)
  • Giám đốc Tài chính Công ty Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada do bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran theo yêu cầu của chính quyền Mỹ và dự kiến phiên điều trần sẽ được tổ chức vào 07/12. Bộ Tư pháp Mỹ từ chối cho ý kiến, trong khi đó Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và đề nghị trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức. Việc bắt giữ bà Mạnh diễn ra đúng ngày 01/12 khi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm ngừng chiến tranh thương mại bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Sự việc này nhiều khả năng sẽ khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi. (CNBC, 06/12)
2. Trung Quốc
  • Mỹ: Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung bên lề G20, Công ty năng lượng Unipec của Trung Quốc dự kiến sẽ nối lại việc nhập khẩu dầu thô từ Mỹ bắt đầu từ 1/3/2019 sau khi đã dừng lại do căng thẳng thương mại. (Reuters, 5/12)
3. Châu Âu
  • Uỷ ban châu Âu (EC) ngày 5/12 đã đưa ra đề xuất tăng cường vai trò của đồng Euro trong các giao dịch quốc tế, nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD sau khi nhiều doanh nghiệp châu Âu đã phải ngừng làm ăn với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Các quan chức EU cho rằng, tăng cường vai trò của đồng Euro sẽ khiến kinh tế EU bớt phụ thuộc vào kinh tế Mỹ, đặc biệt là tránh khỏi các cú sốc đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng họ cũng thừa nhận rằng, điều này sẽ cần rất nhiều thời gian. (Reuters, Bloomberg, 5/12)
4. Nhật Bản
  • Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ dừng việc mua các thiết bị từ tập đoàn Huawei và ZTE để chống lại việc rò rỉ thông tin và tấn công thông qua an ninh mạng. Động thái này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố không mua các thiết bị của Huawei cho chính phủ. Trước đó, Úc và New Zealand cũng ngăn chặn việc xây dựng mạng 5G từ Huawei. Theo tin từ Mỹ, Huawei có liên quan đến chính phủ Trung Quốc và tiềm ẩn nguy cơ gián điệp dù chưa có bằng chứng cụ thể (Reuters, 7/12)
5. Việt Nam
  • Kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng trên 30%/năm trong 4 năm gần đây, đặc biệt năm 2017 tăng tới 42,42% so với năm 2016. Thế nhưng, 11 tháng đầu năm nay tuy vẫn tăng nhưng không được như kỳ vọng; dự báo xuất khẩu rau quả cả năm 2018 chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2017. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, những khó khăn từ thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác đang cản trở sự tăng tốc xuất khẩu rau quả. (Thời báo kinh tế Việt Nam, 6/12)
  • Đến năm 2025, nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ là một động cơ tăng trưởng trị giá 33 tỉ USD, lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á và lớn gấp 11 lần so với năm 2015. Nền kinh tế internet của Việt Nam hiện tại chỉ chiếm 4% GDP quốc gia. Hiện tại, Đông Nam Á có 350 triệu người dùng internet, số lượng người mua sản phẩm vật chất qua các nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á, vượt mốc 120 triệu người khi kết thúc năm 2018 và sẽ trở thành nguồn động lực trọng yếu cho sự tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh doanh và tạo công ăn việc làm tại Việt Nam. (Nhịp cầu đầu tư, 7/12)

D. TIN CHUYÊN SÂU

Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu "chuyển đổi xanh"? (Policy Forum, 26/11).
            Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường và rào cản chính sách trên hành trình hướng tới phát triển ngành công nghiệp năng lượng bền vững. Trong hơn 2 thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, trở thành một trong số những nền kinh tế lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam có tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá và gia tăng dân số. Trong khi hàng triệu người Việt Nam thoát khỏi cảnh đói nghèo, sự phát triển ngoạn mục của Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo ra gánh nặng lên môi trường. Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong quá trình tăng trưởng ở Việt Nam dẫn đến sự gia tăng nhanh phát thải khí nhà kính cũng như các áp lực môi trường khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và đất, nạn phá rừng, phá huỷ môi trường sống tự nhiên, mất đa dạng sinh học.
            Để đối phó với các rủi ro môi trường trên, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác đã thực hiện chính sách “chuyển đổi xanh”. Khái niệm “chuyển đổi xanh” ám chỉ quá trình tái cơ cấu kinh tế và xã hội trong phạm vi các giới hạn hành tinh bền vững. Do đó, chuyển đổi xanh có thể hiểu là những thay đổi cấp tiến về kinh tế, xã hội và thể chế trong thực tiễn. Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên theo định hướng "xanh" thông qua việc công bố Chiến lược Phát triển Bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, sau đó là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2011 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012. Những chiến lược này đi kèm với một loạt các chính sách và chương trình nhằm tăng hiệu quả năng lượng, thúc đẩy năng lượng tái tạo và giới thiệu mua bán phát thải carbon và cắt giảm khí thải. Các chiến lược trên cũng giúp hình thành một phần Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
            Việt Nam được hưởng lợi từ các dự án trong lĩnh vực năng lượng trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch và cắt giảm được một lượng đáng kể phát thải khí nhà kính trong vài năm trở lại đây. Việt Nam cũng đầu tư nhiều cho ngành năng lượng tái tạo, trong đó quan trọng nhất là năng lượng gió và thuỷ điện, đóng góp gần 70% tổng nguồn cung năng lượng chính của cả nước. Do đó, lĩnh vực năng lượng đóng vai trò trung tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam.
            Việt Nam đang tích cực theo đuổi các cơ hội "chuyển đổi xanh" trong lĩnh vực năng lượng nhằm theo đuổi ba mục tiêu chính: tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được tiến triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình này được thúc đẩy bởi nhiều mục tiêu chính sách trong nước bao gồm tái cơ cấu kinh tế, tăng cơ hội việc làm, cải thiện an ninh năng lượng, tiếp cận nguồn tài chính quốc tế nhằm giải quyết sự sụt giảm các nguồn viện trợ phát triển truyền thống và các công nghệ liên quan đến khí hậu.
            Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản lớn trên con đường hướng đến "chuyển đổi xanh" đối với Việt Nam:
            Thứ nhất, Việt Nam vẫn chưa hợp nhất các chính sách trùng lặp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Thứ hai, ở Việt Nam, công tác triển khai các chiến lược cạnh tranh lẫn nhau và có cách tiếp cận chính sách nước đôi. Ví dụ, Việt Nam vẫn chưa cân bằng rõ ràng giữa các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế với các chính sách thúc đẩy bảo vệ môi trường và cắt giảm khí nhà kính. Một số đánh đổi khác liên quan đến nạn phá rừng, do đôi khi phải phá rừng để phục vụ công tác triển khai các dự án năng lượng. Ví dụ, việc xây dựng các đập thủy điện thường đòi hỏi phải phá rừng để xây dựng hồ chứa. Lũ lụt ở hạ nguồn, sói mòn, trầm tích, mất đa dạng sinh học, phá hủy môi trường sống, nguy hại đối với cả và các sinh vật biển khác là một trong số những tác động trực tiếp của việc xây dựng các công trình thủy điện quy mô lớn, đặc biệt là các đập thuỷ điện.
            Trong tương lai, Việt Nam có thể tăng tính hiệu quả thông qua xây dựng các chính sách giúp phối hợp hiệu quả hơn giữa các mục tiêu chuyển đổi xanh.
            Việc thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tham vọng nhằm tăng tỷ trọng của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời năng lượng cũng là một giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình "chuyển đổi xanh", kết hợp với chuyển giao và hợp tác công nghệ với các nước phát triển trong khuôn khổ Hiệp định Paris.
            Kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đề ra mục tiêu đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm 8% so với mức của năm 2010. Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế có sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuât, mục tiêu có thể tăng lên thành 25%.
            Việt Nam có thể tiến hành đàm phán hỗ trợ quốc tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các công nghệ liên quan đến khí hậu và hỗ trợ tài chính, từ đó tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
            Việt Nam vẫn đang trên đường thúc đẩy "chuyển đổi xanh" trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi nói đến rất nhiều sự đánh đổi và các mối lo về công lý trong lĩnh vực năng lượng đi cùng với quá trình chuyển đổi mà Việt Nam chỉ vừa mới bắt đầu.

E. BÀI PHÂN TÍCH

Dự báo Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019: Tăng trưởng chậm hơn, nhiều bất trắc hơn. (TLSQVN tại Houston, WSJ, 4/12)
 Triển vọng kinh tế thế giới đang thay đổi, có thể dẫn đến xáo động trong thị trường và ở Washington năm 2019. Năm 2018 được đánh dấu bằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ, hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa như giảm thuế và tăng chi tiêu, dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED) bước vào chiến dịch tăng lãi suất ngắn hạn. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong năm 2019, một phần vì nguồn kích cầu tài khóa sẽ suy giảm, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm và FED ngừng tăng lãi suất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đang chạm  ngưỡng thấp nhất trong 50 năm, là một dấu hiệu nền kinh tế đang sử dụng hết nguồn lực.
Tuy nhiên năm 2019 dự kiến sẽ có chiều hướng thay đổi, với 2 nguy cơ không chắc chắn hiển hiện đối với triển vọng kinh tế Mỹ. Thứ nhất là chính sách tài khóa. Khó có thể mong đợi chính sách cắt thuế của Tổng thống Trump sẽ được duy trì với một Quốc hội Mỹ mà Đảng Cộng hòa không giữ quyền kiểm soát đa số. Triển vọng chi tiêu chính phủ cũng chưa rõ ràng. Liệu Nhà Trắng có sẵn sàng hợp tác với Đảng Dân chủ để thúc đẩy chi tiêu hay không? Câu hỏi sẽ còn phụ thuộc vào cuộc chiến giữa hai Đảng Dân Chủ và Cộng hòa về các vấn đề như nhập cư và an ninh biên giới.
Thứ hai là đầu tư doanh nghiệp. Việc Tổng thống Trump giảm thuế và cắt giảm điều tiết nhằm mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào Mỹ và cắt giảm đầu tư ở các khu vực khác như Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả đến nay còn chưa rõ. Đầu tư doanh nghiệp tăng 11,5%/năm trong quý 1/2018 nhưng sụt giảm còn 2,5% trong Quý 3/2018. Một lý do là sự chậm lại trong ngành năng lượng do giá dầu suy giảm, dẫn đến đầu tư cho hạ tầng dầu khí giảm theo.
Mối đe dọa lớn hơn đối với đầu tư tại Mỹ là phần còn lại của thế giới. Trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế Mỹ đồng hành cùng tăng trưởng của phần còn lại của thế giới. Trong năm 2018, kinh tế Mỹ tăng tốc trong khi kinh tế Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc chậm lại. Trung Quốc đang phải giải quyết sự chững lại sau bùng nổ đầu tư nội địa. Châu Âu đang phải giải quyết thách thức đối với vấn đề tài khóa của Italia và Brexit. Nhật Bản đang phải xử lý dân số già đi và tăng trưởng kinh tế chậm.
Một yếu tố có tác động toàn diện đến kinh tế thế giới là quan điểm thương mại theo kiểu đối đầu của Washington. Trận chiến thương mại của Tổng thống Trump có nhiều mặt trận như áp giá trênthép nhập khẩu, xung đột với Trung Quốc, đe dọa đánh thuế trên ô tô nhập khẩu, trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ và những yếu tố không chắc chắn về tương lại của Hiệp định USMCA.
Tác động dự kiến là lớn. Lưu lượng thương mại thế giới đã suy giảm. Tại Đức, sản lượng xuất khẩu đã giảm trong quý 3, dẫn đến sụt giảm lớn hơn trong sản lương kinh tế. Nhật Bản lo ngại về tác động của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đối với lượng hàng xuất khẩu của mình. Các doanh nghiệp Mỹ đang phải chống chọi với việc giá cả các đầu vào nhập khẩu gia tăng do áp thuế, sự thiếu chắc chắn về cách Hoa Kỳ quản lý chuỗi sản xuất toàn cầu gắn họ với các nền kinh tế khác và gây ảnh hướng tới thị trường xuất khẩu. Cắt giảm thuế và các quy định điều tiết có mục đích để đầu tư vào Mỹ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, những thách thức của chính quyền Tổng thống Trump trong thương mại sẽ làm cho việc đầu tư khắp nơi, cả trên đất Mỹ thêm kém hấp dẫn.
Tổng thống Trump đã tạm thời ngừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Mỹ 2019 và chương trình nghị sự đầu tư và tăng trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào liệu xung đột thương mại Mỹ – Trung có được giải quyết hay lại tiếp tục vòng xoáy thành một cuộc chiến rộng lớn hơn./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,258
  • Hôm nay200,498
  • Tháng hiện tại10,209,665
  • Tổng lượt truy cập372,215,468
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây