Việt Nam sẽ thí điểm áp dụng Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Thứ ba - 01/10/2019 09:44 829
​Bảo lãnh thông quan không chỉ là công cụ giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, mà còn góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện mở rộng loại hình kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan Hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.
Bảo lãnh thông quan đã được phát triển qua rất nhiều thập kỷ dưới nhiều loại hình bảo lãnh khác nhau dùng cho nhiều mục đích chi tiết khác nhau. Tại nhiều nước phát triển như Hoa kỳ, Canada, Phần Lan, Thụy Điển… bảo lãnh thông quan đã được phát triển thành công cụ hữu hiệu, không chỉ trong tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn để kiểm soát ngăn chặn buôn lậu và bảo đảm tính tuân thủ của các đối tượng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh hàng hóa. 
Tại Việt Nam, để có thể triển khai Hệ thống Bảo lãnh thông quan cần có hệ thống pháp luật hoàn  thiện, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm với nhiều tiêu chí kỹ thuật, cơ chế hoạt động và phương thức phù hợp với các quy định và điều kiện của nước ta. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự tham gia cải cách, sửa đổi của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. 
Xuất phát từ yêu cầu thực tế 
Theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế, người nộp thuế được lựa chọn nộp thuế ngay hoặc có bảo lãnh thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng và phải nộp tiền chậm nộp trong thời gian bảo lãnh. Trong trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, người khai hải quan được lựa chọn có bảo lãnh thuế hoặc đặt cọc tiền thuế. 
Tuy nhiên, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được thay mặt chủ hàng đứng ra bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp hoặc bảo lãnh việc chấp hành các chính sách về thuế, sử dụng hàng hóa đúng với mục đích được miễn thuế, không chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc các loại hình khác như: tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất, quá cảnh,…
Luật Hải quan năm 2014 cũng có quy định về việc thông quan, giải phóng hàng và đưa hàng về bảo quản, trong đó đều có yêu cầu người khai hải quan phải nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế. Tuy nhiên,  cũng như  Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Hải quan cũng chưa có Điều khoản quy định cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được thay mặt chủ hàng đứng ra bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp hoặc bảo lãnh việc chấp hành các chính sách về kiểm tra chuyên ngành trong thời gian hàng hóa đưa về bảo quản tại địa điểm do người khai hải quan đề nghị để chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. 
Trên thực tế, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện kết nối, thanh toán điện tử với cơ quan hải quan và phần lớn các ngân hàng này đều được thực hiện bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian bảo lãnh, ngoài số tiền phí bảo lãnh phải nộp cho ngân hàng, người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục để được cấp bảo lãnh ngân hàng vẫn còn phức tạp do phải có tài sản đảm bảo. Chính vì vậy số lượng doanh nghiệp lựa chọn hình thức bảo lãnh thuế hiện nay vẫn còn rất thấp, như năm 2017 là chưa đến 1% tổng số thu ngân sách nhà nước. 
Chính vì vậy, trong điều kiện hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa của Việt Nam hiện nay đang chịu sự điều chỉnh không chỉ của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, thuế mà còn rất nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành khác thì Hệ thống bảo lãnh thông quan nếu được áp dụng sẽ là công cụ hữu hiệu giải quyết những bất cập của công tác kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần quan trọng trong tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia. 
Xây dựng đề án thí điểm áp dụng Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 
Thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020”, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. 
Việc bảo lãnh có thể được thực hiện dưới hình thức bảo lãnh chung hoặc bảo lãnh riêng. Trong đó, bảo lãnh chung là việc tổ chức phát hành bảo lãnh cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, các khoản tiền phạt, các biện pháp khắc phục cho nhiều tờ khai hải quan của một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.Bảo lãnh riêng là việc tổ chức phát hành bảo lãnh cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, các khoản tiền phạt, các biện pháp khắc phục cho một tờ khai hải quan.
Theo Dự thảo, trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm, cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ lựa chọn áp dụng đối với một số loại hình trên cơ sở kế thừa các hình thức bảo lãnh đã được áp dụng, đồng thời thí điểm đối với một số loại hình mới và mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động bảo lãnh, gồm: 
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.
- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn), trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhưng được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
- Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp được chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định; hàng hóa nhập khẩu chờ kết quả xác minh từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nước xuất khẩu.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và thuộc trường hợp nộp kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan.
Theo dự thảo, giai đoạn thí điểm dự kiến bắt đầu từ năm 2021. Căn cứ vào kết quả thí điểm thực tế, sau thời gian dự kiến khoảng 2 năm Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ báo cáo sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và đề xuất triển khai mở rộng thí điểm đối với các loại hình tạm nhập tái xuất khác như tham dự hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình…; bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu của các Bộ, ngành đối với một số mặt hàng, lĩnh vực; bảo lãnh trong các trường hợp có tranh chấp trong việc áp dụng chính sách quản lý, chính sách thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (chờ tham vấn giá, chờ xác định mã số, thuế suất; chờ kết quả giám định chất lượng, chủng loại,…),…
Sau hai giai đoạn thí điểm, Bộ Tài Chính sẽ tổ chức đánh giá tình hình, trình các cấp để hoàn thiện cơ sở pháp lý (Luật, Nghị định, Thông tư) và Hệ thống công nghệ thông tin để triển khai chính thức Hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các loại hình khác, như: gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu và các trường hợp hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất thuộc diện miễn áp dụng các chính sách quản lý tại khâu nhập khẩu, nhưng phải quản lý sau khi sản xuất thành sản phẩm và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, cũng như các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác. 
Việc triển khai thí điểm theo các giai đoạn trên đây sẽ được áp dụng đối với các chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc loại hình triển khai thí điểm, của các doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan nhằm thực hiện đồng bộ, thống nhất tại đơn vị hải quan các cấp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp. 
Theo Kế hoạch, Đề án sẽ được lấy ý kiến, hoàn thiện, gửi Bộ Tư Pháp thẩm định và báo cáo chính phủ trong tháng 12/2019; Gửi Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 3/2020, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020.

 

​Cam kết bảo lãnh là một hợp đồng ba bên trong đó một bên (bên được bảo lãnh) là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền xuất nhập khẩu hàng hóa cam kết với cơ quan Hải quan (bên nhận bảo lãnh - bên thứ hai) về thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc về thủ tục hải quan theo quy định pháp luật (như nộp các khoản thuế, phí, thu khác, chậm nộp chứng từ về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. v.v ..) để được thông quan, giải phóng hoặc đưa hàng về bảo quản. Bên thứ ba (bên bảo lãnh là các doanh nghiệp tổ chức tín dụng/công ty bảo hiểm) đứng ra cam kết thực hiện các nghĩa vụ của chủ hàng hóa xuất nhập khẩu với cơ quan Hải quan hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành nếu chủ hàng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thủ tục hải quan, về thuế hoặc chính sách quản lý chuyên ngành.
 

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,345
  • Hôm nay292,989
  • Tháng hiện tại6,807,330
  • Tổng lượt truy cập379,927,667
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây