(CTTĐTBP) - Ngày 20/02/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm (CGC).
Theo đó, để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh CGC, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh CGC trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 5796/BNN-TY ngày 21/8/2023 của Bộ NN&PTNN.
Đồng thời, tập trung các nguồn lực để khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch CGC phát sinh, kiểm soát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, tái phát, lây lan diện rộng; công bố dịch, tổ chức chống dịch theo đúng quy định. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút CGC, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm.
Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Chỉ đạo ngành Y tế chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC.
Bên cạnh đó, khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Chỉ đạo Sở NN&PTNN, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh CGC, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh./.