(CTTĐTBP) - Ngày 20/11/2023, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo đánh giá việc thi hành pháp luật và thực trạng triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2023.
Theo báo cáo UBND tỉnh, Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Diện tích tự nhiên 6.873,55 km2, có 258,939 km đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia, dân số trên 01 triệu người. Toàn tỉnh có 41 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn thuộc 07 huyện, 03 thị xã, 01 thành phố, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 19,6 %.
Bình Phước có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 56 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng; 55 Trung tâm Học tập cộng đồng; 166 trường mầm non; 164 trường tiểu học; 108 trường trung học cơ sở; 37 trường trung học phổ thông. Mạng lưới trường lớp hầu như phủ khắp các địa bàn trong tỉnh; kinh phí đầu tư xây dựng các phòng học đã được huy động khá lớn từ nhiều nguồn như: chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh cấp hằng năm, Nhân dân đóng góp, Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Năm 2022, Bình Phước có 58 xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Xã khu vực III gồm 05 xã; xã khu vực II gồm 03 xã; khu vực I gồm 50 xã và 46 thôn đặc biệt khó khăn. Số xã, phường thị trấn được công nhận mức độ 01 là 17/111, tỷ lệ đạt 15,31%. Trong đó, huyện Bù Đốp còn 04/07 xã, huyện Lộc Ninh còn 09/16 xã, huyện Đồng Phú còn 03/11 xã, huyện Hớn Quản còn 01/13 xã. Số xã, phường thị trấn được công nhận mức độ 02 là 94/111, tỷ lệ đạt 84,68%.
Số huyện, thị xã, thành phố được công nhận mức độ 01 là 03/11, tỷ lệ đạt 27,28% gồm: huyện Bù Đốp, huyện Lộc Ninh, huyện Đồng Phú; mức độ 02 đạt 8/11, tỷ lệ 72,72% gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long, thị xã Chơn Thành, huyện Bù Gia Mập, huyện Bù Đăng, huyện Hớn Quản, huyện Phú Riềng.
Tổng số người trong độ tuổi 15 - 60 là 711.843 người, trong đó số người biết chữ trong độ tuổi 15-60 mức 01 là 690.533 người, tỷ lệ đạt 97%; mức 02 là 654.105 người, tỷ lệ đạt 91,89%. Số người mù chữ trong độ tuổi 15-60 mức 01 là 21.155 người, tỷ lệ 2,97%; mức 02 là 57.222, tỷ lệ 8,03%
Kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Ban Chỉ đạo xóa mù chữ các cấp thực hiện ngày càng hiệu quả, luôn thể hiện tốt vai trò tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện. Ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều nỗ lực cố gắng và thực hiện tốt vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong công tác tham mưu cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ có tinh thần trách nhiệm cao; hầu hết đã kinh qua thực tế nên đã góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh. Công tác huy động trẻ đến trường được quan tâm và thực hiện tốt, vì vậy số lượng trẻ đầu cấp ra lớp hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhìn chung, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đều đạt và vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao; từ đó đưa công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trong thời gian qua đạt kết quả tốt. Bình Phước đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 03, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố vào thời điểm tháng 12/2019./.