(CTTĐTBP) - Ngày 22/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Việc ban hành Kế hoạch này nhằm chủ động ngăn chặn, phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh. Khống chế kịp thời dịch bệnh, hạn chế sự lây lan, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, xây dựng, duy trì thành công các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo các đề án, chương trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về tác hại của dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi động vật thủy sản; trách nhiệm của người chăn nuôi, các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và theo quy định pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật; tổ chức phòng chống dịch bệnh động vật kịp thời, phù hợp và hiệu quả; sử dụng các biện pháp phòng là chính; sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi. Bố trí đủ kinh phí thực hiện các biện pháp phòng chống dịch động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung 04 nội dung, nhiệm vụ sau: phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản; thông tin, tuyên truyền, tập huấn phòng chống dịch bệnh; công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó, về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, cần tăng cường công tác chỉ đạo điều hành và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chẩn đoán, chừa bệnh; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh động vật. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như bệnh lở mồm long móng (LMLM), bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC)... Thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh động vật, chính sách hỗ trợ trong phòng chống dịch bệnh động vật. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật.
Phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản cần tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo quy định Luật Thú y, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi, Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngàv 14/9/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 21/06/2021 của UBND tỉnh về phòng chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 21/06/2021 của UBND tỉnh về quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025./.