Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi phát biểu tại buổi làm việc
Tổ hợp dự án này là một trong những nội dung của thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ Hà Lan và Việt Nam về “Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực”.
Đại diện MCE và đối tác đề nghị được liên doanh thực hiện Tổ hợp dự án “Phát triển sản xuất, thương mại, đầu tư và xây dựng thương hiệu hạt điều tại tỉnh Bình Phước” tại địa điểm đã khảo sát tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Tổ hợp dự án này gồm 3 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu đô la Mỹ, trên diện tích khoảng 200ha.
Trong đó, dự án sản xuất hạt điều và dầu vỏ hạt điều tinh lọc xuất khẩu, quy mô hạt điều 168.750 tấn/năm, dầu vỏ điều 118.125 tấn/năm, bã vỏ hạt điều 118.125 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự án này tương đương 80,9 triệu đô la Mỹ. Dự án sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu, công suất 225.000 tấn/năm, vốn đầu tư tương đương 45 triệu đô la Mỹ. Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu điều, quy mô 187.500 tấn/năm, tổng vốn đầu tư tương đương 124 triệu đô la Mỹ.
Cùng với đề nghị được chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp liên doanh, MCE và đối tác cũng đề nghị Bình Phước hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, phương án áp giá đền bù, giá thuê đất và cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và các thủ tục liên quan. Ngoài ra, MCE cũng đề xuất hỗ trợ tỉnh thực hiện xây dựng và phát triển thương hiệu quốc tế “Điều Bình Phước” với mức đầu tư từ 1 - 1,5 triệu đô la Mỹ do MCE kêu gọi.
Sau khi nghe đề xuất của MCE, phía đối tác và ý kiến của các sở ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi hoan nghênh ý định đầu tư tại Bình Phước của MCE và đối tác. Đồng thời, đề nghị MCE và đối tác sớm hoàn thành chứng nhận thành lập doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh theo quy định, xúc tiến những thủ tục cần thiết để dự án sớm được triển khai. Bình Phước sẽ xem xét hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện tổ hợp dự án mà nhà đầu tư đề xuất./.