Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 29/02/2024 09:17
(CTTĐTBP) - Các bộ, ngành, địa phương và thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, ngành, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 71/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác tại Phiên họp thứ ba của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ngày 26 tháng 02 năm 2024.
Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Phiên họp của Cơ quan thường trực và ý kiến tâm huyết của các thành viên Hội đồng tư vấn cũng như phần trả lời trách nhiệm của các thành viên Tổ công tác, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan. Ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng tư vấn đã tích cực thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đơn giản hóa gắn với chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Một số lãnh đạo các cấp chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính; (2) Một số nhiệm vụ đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng chưa có kết quả cụ thể; (3) Có những quy định chưa phù hợp, theo kịp với xu thế phát triển; (4) Còn tình trạng chồng chéo giữa các quy định, giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau; (5) Thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; (6) Một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân chưa được kịp thời giải quyết dứt điểm.
Về một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và từng thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng tư vấn phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm tập trung triển khai các nhiệm vụ bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Các bộ, ngành, địa phương và thành viên Tổ công tác duy trì việc trao đổi thông tin, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị giữa các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Hội đồng tư vấn. Tăng cường làm việc, đối thoại bằng hình thức phù hợp để lắng nghe, nhận diện rào cản về các thủ tục, cơ chế, chính sách, pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ.
Khẩn trương nghiên cứu, trả lời bằng văn bản các phản ánh, kiến nghị của thành viên Hội đồng tư vấn, hoàn thành trong tháng 3 năm 2024, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc.
Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, ngành, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau.
Thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từng thành viên Tổ công tác tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương được phân công phụ trách; nghiên cứu giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo… để thích ứng với xu thế hiện nay.
Các thành viên Hội đồng tư vấn chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên cần giải quyết và đề xuất giải pháp (nếu có), báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác, đồng thời gửi Cơ quan thường trực Tổ công tác - Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác và Hội đồng tư vấn theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các bộ, ngành, địa phương và từng thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng tư vấn. Tổng hợp kết quả thực hiện, nhất là các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, kịp thời báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác để chỉ đạo tháo gỡ, thúc đẩy.
Năm 2024, Tổ công tác và Hội đồng tư vấn cần có một số chuyên đề thực tiễn cuộc sống và hoạt động kinh doanh đang đặt ra để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ./.