Đường dây nóng
*Hỗ trợ, tư vấn TTHC, dịch vụ công: 0271.1022
*Ứng cứu sự cố an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh: 0844.68.93.93
*Hỗ trợ, giải đáp chính sách thuế: 02713.879.193, 02713.888.891
*Phản ánh, kiến nghị vốn vay, hoạt động bảo hiểm ngân hàng: 02713.870.047

Nhà khoa học dùng tiền ngân sách nghiên cứu thất bại có thể được miễn trách nhiệm

Thứ năm - 11/04/2024 10:32 47

Thông tin được nêu tại cuộc Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức chiều 10/4. Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang điều hành phiên họp với nhiều câu hỏi của báo chí quan tâm về việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu.

Về vấn đề này Thứ trưởng Giang thừa nhận hiện cơ chế chính sách còn một số điểm nghẽn, trong đó có việc chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Ông lý giải, rủi ro được hiểu là khi dùng ngân sách nhà nước nghiên cứu, quá trình thực hiện đúng quy định, tuân thủ các bước hội đồng nhưng không ra được kết quả.

"Trước đây điều này được coi là thất bại, nhưng hiện nay việc đó được chấp nhận với cơ chế mới nếu được thực hiện", Thứ trưởng nói. Ông nhấn mạnh "chỉ có chấp nhận rủi ro mới khuyến khích được các nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Đây là việc Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm và mong muốn sửa đổi Luật càng nhanh càng tốt".

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TTTT


Ông cho biết, năm 2024, Bộ tập trung sửa đổi toàn diện Luật và các văn bản liên quan với mục tiêu đưa khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo thành động lực mới trong tăng trưởng kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng dẫn nhiều văn bản cho thấy sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị, Chính phủ trong việc rà soát sửa đổi cơ chế chính sách để thể hiện đặc thù khoa học công nghệ, trong đó có việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Bà Diệp cho hay, đặc thù khoa học công nghệ là đi tìm cái mới, hoạt động sáng tạo nhưng quá trình nghiên cứu không đến được kết quả đặt ra. Đây là vấn đề khách quan và thực tế này trong hoạt động khoa học công nghệ quốc tế đã chấp nhận.

Tại Luật Khoa học và Công nghệ (2013) đã có quy định liên quan chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, thể hiện tại điều 23 về ưu đãi trong sử dụng nhân tài. Theo đó người bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, hoặc gây rủi ro, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với nguyên nhân khách quan dù thực hiện đầy đủ quy trình nghiên cứu.

Luật Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi sẽ theo hướng mở rộng hơn, đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan. Trong đó có nội dung "miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu có gây thiệt hại, rủi ro cho nhà nước, hoặc đã thực hiện đầy đủ quy trình nhưng kết quả không đạt thì không phải bồi hoàn kinh phí sử dụng", bà Diệp nói.
 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trả lời báo chí về việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ. Ảnh: TTTT

Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng đề cập tới cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý, nghiên cứu khoa học. Ông nhiều lần nhấn mạnh bản chất của nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong chuyển giao, thương mại hóa.

Ông cũng cho biết việc sửa đổi chính sách sẽ được quyết liệt thực hiện, giải quyết căn cốt nội dung này khi sửa Luật Khoa học và Công nghệ.

Tác giả bài viết: Như Quỳnh

Nguồn tin: vnexpress.net/nha-khoa-hoc-dung-tien-ngan-sach-nghien-cuu-that-bai-co-the-duoc-mien-trach-nhiem-4732797.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây