Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em năm 2024

Thứ hai - 04/03/2024 08:36 443
(CTTĐTBP) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em năm 2024.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Kiểm soát, kéo giảm số lượng trẻ em bị xâm hại, bảo đảm việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại. Xây dựng các quyết định của UBND, đề xuất các nghị quyết của HĐND về chính sách và bố trí ngân sách, nhân lực cho công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, xây dựng, thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về quy trình hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại. Mở rộng mạng lưới xã hội tham gia bảo vệ trẻ em, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên mạng lưới trong việc thông tin, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em.

Phát huy vai trò, cách làm sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Kết nối, định hướng các tổ chức, nhóm thiện nguyện hoạt động vì trẻ em để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng mô hình kết nghĩa giữa các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các tỉnh, thành phố kinh tế phát triển để hỗ trợ trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức, kỹ năng về xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em. Truyền thông, tư vấn đến từng cộng đồng dân cư, gia đình, trường, lớp học về kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan truyền thông về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em; giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống để phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em bố trí ngân sách địa phương để xây dựng, nâng cấp các công trình dành cho trẻ em. Tổ chức tốt Tết Trung thu năm 2024; Diễn đàn trẻ em định kỳ. Quan tâm thực hiện Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Rà soát, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật tác động đến trẻ em, đặc biệt hiện tượng người chưa thành niên lừa đảo trên mạng xã hội, các nội dung hướng dẫn trẻ em các hành vi bạo lực, không an toàn về tính mạng, sức khỏe trên môi trường mạng.

Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi, bảo đảm trẻ em được hưởng đẩy đủ các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em (Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024); ưu tiên xây dựng bể bơi để tăng tỷ lệ trẻ em được học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước. Thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng và Đề án chăm sóc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng, chú trọng hoàn thiện mạng lưới kết nối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

Hướng dẫn đánh giá, xét duyệt và công nhận công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, phát hiện khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em; rà soát công tác tự kiểm tra của UBND cấp xã, kiểm tra hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, việc sử dụng trẻ em tham gia lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình trong các làng nghề. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, các vụ việc gây tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt các vụ việc gây tử vong trẻ em. Tiếp tục triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo theo Thông tư số 13/2021ATT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thực hiện chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu, cập nhật vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em từ cơ sở đáp ứng yêu cầu về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ./.

Tác giả bài viết: Thanh Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,310
  • Hôm nay362,426
  • Tháng hiện tại3,543,829
  • Tổng lượt truy cập390,086,882
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây