Thông tin báo chí: về tình hình công tác tháng 7 năm 2021 của Tổng cục Hải quan

Thứ bảy - 07/08/2021 14:09 1068
1. Thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu
Trong tháng 7 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 26 tỷ USD, giảm 4,4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,6%.
So với cùng kỳ năm trước, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 371,16 tỷ USD, tăng mạnh 29,5%; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 184,33 tỷ USD, tăng 24,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 186,83 tỷ USD, tăng 34,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2021 ước tính thâm hụt 1,5 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 2,5 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 8,7 tỷ USD của 7 tháng đầu năm trước.
* Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:
- Dầu thô: xuất khẩu trong tháng 07/2021 ước tính đạt 60 triệu USD, giảm 52,8% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu dầu thô trong 7 tháng/2021 ước đạt 1,6 triệu tấn, trị giá ước đạt 815 triệu USD, giảm 41,6% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: trị giá xuất khẩu trong tháng 07/2021 ước tính là 1,3 tỷ USD, giảm 16,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2021 ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Hàng giày dép: trị giá xuất khẩu trong tháng 07/2021 ước tính đạt 1,7 tỷ USD, giảm 11,8% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2021 ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Hàng dệt may: ước tính trong tháng 07/2021, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2021 ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước.
 - Hàng thủy sản: ước tính trong tháng 07/2021, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước là 800 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2021 ước đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
- Điện thoại các loại & linh kiện: ước tính xuất khẩu nhóm trong tháng 07/2021 là 4,3 tỷ USD, tăng 30,5% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 07/2021, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 29,35 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá xuất khẩu trong tháng 07/2021 ước tính đạt 3,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng/2021 ước tính đạt hơn gần 27,36 tỷ USD, tăng 16,46% so với cùng kỳ năm trước.  
    * Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:
- Xăng dầu các loại: nhập khẩu trong tháng 07/2021 ước tính là 600 nghìn tấn, tăng 11,1% so với tháng trước và trị giá là 373 triệu USD, tăng 16,7% so với tháng trước. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 7 tháng/2021 ước tính đạt 4,59 triệu tấn, trị giá ước đạt 2,52 tỷ USD, giảm 14,7% về lượng và tăng 17,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
-  Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 07/2021 là 5,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước.  Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước là 39,06 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 07/2021 là 3,9 tỷ USD, giảm 3,4% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng của cả nước là 26,81 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2020.
-  Điện thoại các loại và linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 07/2021 là 1,4 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 10,41 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Vải các loại: ước tính nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 07/2021 là 1,4 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu vải các loại đạt 8,68 tỷ USD, tăng 32,9% so với 7 tháng/2020.
-  Sắt thép các loại: ước tính nhập khẩu trong tháng 07/2021 là 950 nghìn tấn, giảm 15,5% và trị giá là 972 nghìn USD, giảm 15% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 7 tháng/2021 ước đạt 8 triệu tấn, giảm 0,9 và trị giá là 6,75 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Chất dẻo nguyên liệu: ước tính nhập khẩu chất dẻo trong tháng 07/2021 là 600 nghìn tấn, tăng 3,6% so với tháng trước và trị giá là 1,04 tỷUSD, tăng 2,2%. Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu mặt hàng này của cả nước là 4,2 triệu tấn, trị giá 7,08 tỷ USD;  tăng 13,6% về lượng và tăng 54,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
-  Kim loại thường khác: ước tính trong tháng 07/2021 là 170 nghìn tấn, giảm 7,5% và trị giá là 778 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu kim loại thường khác trong 7 tháng/2021 ước đạt 1,23 triệu tấn, tăng 19,3% và tổng kim ngạch ước đạt 5,21 tỷ USD, tăng 59,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
-  Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 07/2021 là 580 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của cả nước là 3,91 tỷ USD, tăng 33,8% so với 7 tháng/2020.
Ô tô nguyên chiếc các loại: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 07/2021 đạt 17 nghìn chiếc, trị giá đạt 332 triệu USD, tăng 11% về lượng và và giảm 0,9% về trị giá so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 07/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 98 nghìn chiếc, trị giá đạt 2,1 tỷ USD, tăng 116,9% về lượng và tăng 111,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
2. Tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN)
Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 01/07 đến ngày 31/07/2021 do KBNN cung cấp đạt 34.135 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/07/2021 đạt 230.538 tỷ đồng bằng 73,2% dự toán, bằng 69,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 31,53% so với cùng kỳ năm trước.
3. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại:
Trong tháng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm. Cụ thể: 
Tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 7/2021 diễn biến không phức tạp. Các vụ bắt giữ chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ, trị giá hàng vi phạm thấp được vận chuyển trái phép qua biên giới. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, đồ chơi trẻ em, gỗ, gia cầm, sản phẩm đông lạnh, …
Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Trong tháng, tuyến hàng không, bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy. Trên tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh, … tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi với số lượng ma túy bắt giữ lớn.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, Tổng cục Hải quan đã ban hành: (i) Công văn  cảnh báo phương thức, thủ đoạn và tăng cường công tác kiểm soát ma túy; (ii) Thông báo  08 chất “ma túy mới” lần đầu phát hiện tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm soát hải quan, đã ban hành Kế hoạch  điều tra, xác minh bổ sung việc nhập khẩu 50 container gỗ của Công ty TNHH Inbe Á Châu có dấu hiệu vi phạm.
Kết quả: Tính từ 16/6-15/7/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 99 tỷ 536 triệu đồng; Số thu ngân sách đạt 23 tỷ 581 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 03 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 04 vụ.
* Các vụ việc điển hình:
- Ngày 09/07/2021, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm –BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP Miền Trung; Phòng PC04-CA Quảng Trị; Chi cục HQCK Lao Bảo tuần tra, kiểm soát, phát hiện 01 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 2.000 viên MTTH.
- Ngày 09/07/2021, Đội TT Hàng hóa nhập khẩu – Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Đội Kiểm soát CBL ma túy KV miền Nam - Cục ĐTCBL tiến hành kiểm tra 01 lô hàng quà biếu, phát hiện 4.300 gram Cần Sa được cất giấu  trong 06 chiếc hộp màu đen nhãn hiệu  STATER BROS – FRENCH ROAST GROUD COFFEE” vận chuyển từ Los Angeles về Việt nam.
- Ngày 13/07/2021, Công anhuyện Điện Biên tỉnh Điện Biên đã phối hợp  với Đội KSPC Ma túy - Cục HQ tỉnh Điện Biên;PC 04-CA tỉnh Điện Biên; Đồn Biên phòng Mường Nhà tuần tra, kiểm soát, phát hiện 02 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 60 Bánh Heroin (trọng lượng khoảng 21.000 kg).
- Ngày 18/7/2021, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy-CA Hà Tĩnh đã phối hợp với Đội Kiểm soát phòng chống ma túy – Cục HQ tỉnh Hà Tĩnh,  Phòng Cảnh sát giao thông -  CA tỉnh Hà Tĩnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện 01 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật gồm: 30 kg ma túy đá, 01 kg ketamin và 6000 viên hồng phiến.
- Ngày 12/07/2021, Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng đã phối hợp Đội KSHQ - Cục HQ TP Hải Phòng kiểm tra, kiểm soát phát hiện 01 đối tượng đi trên tàu Biển Đông Mariner từ HongKong nhập cảnh Việt Nam có hành vi vận chuyển trái phép trang sức kim loại quý. Hàng hóa vi phạm gồm: 481 vật phẩm Kim loại (dây chuyền, nhẫn, vòng tay, mặt dây, hoa tai) và 1.760 viên Vật thể hình dạng khác nhau kích thước không đồng nhất.
- Ngày 17/07/2021, Chi cục HQCK cảng Đà Nẵng  đã phối hợp với Đội Kiểm soát CBL KV miền Trung và Hải đội KS CBL trên biển KV miền Trung- Cục ĐTCBL; Cục CS môi trường; BTL CA biển 2; Biên phòng CK cảng Đà Nẵng tiến hành kiểm tra 01 container hàng được vận chuyển từ Nam Phi về Cảng Tiên Sa, phát hiện có chứa 3.176,04 kg Xương động vật và 138,784 kg Sừng động vật (Nghi là sừng tê giác).
4. Công tác hiện đại hóa hải quan 
4.1. Triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia một cửa ASEAN
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc giaHoàn thiện nội dung thuyết minh về giải pháp và định hướng xây dựng Đề án tổng thể xây dựng và phát triển hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung. Xây dựng chương trình, chuẩn bị tài liệu họp trực tuyến Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Hiện đang hoàn thiện trình Bộ báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban 1899 đối với nội dung báo cáo các tháng cuối năm 2020, các tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021 chuẩn bị Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban 1899)
Từ 15/6 – 15/7/2021 số hồ sơ được xử lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 80 nghìn hồ sơ với khoảng gần 800 doanh nghiệp tham gia. Đến 15/07/2021, có 226 thủ tục hành chính của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,97 triệu hồ sơ của gần 48,5 nghìn doanh nghiệp.
 Về triển khai Cơ chế một cửa ASEANTiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN[1]. Từ 15/6-15/7/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN xấp xỉ 17 nghìn C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước trên 31,4 nghìn C/O. Lũy kế đến ngày 15/07/2021: số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 383.446 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 970.894 C/O.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia, Thái Lan. Dự kiến Việt Nam kết nối trao đổi chính thức thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu điện tử từ ngày 01/10/2021.
4.2. Triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trình tự thủ tục để trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, trên cơ sở cuộc họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 06/7/2021, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương hoàn thiện lại hồ sơ Nghị định và báo cáo Bộ Tài chính có công văn số 7768/BTC-TCHQ ngày 14/7/2021 gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.
Triển khai sắp xếp, bổ sung nhân lực, thiết bị…sẵn sàng thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP theo lộ trình của Đề án đề ra đáp ứng theo mô hình mới, cụ thể: Tiến hành thí điểm kiểm tra đối với một số mặt hàng có trên thị trường và các chỉ tiêu đã có chứng nhận theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP như: Kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh[2] (trên một số mặt hàng hoa quả sấy khô; Thí điểm kiểm tra các chỉ tiêu kim loại nặng trên nền mẫu sữa bột, rau củ, quả ….; Kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật và kim loại nặng đối với các mẫu phụ gia thực phẩm[3]Tiến hành rà soát và sửa đổi hệ thống ISO 17025: 2017; Triển khai xây dựng hồ sơ theo ISO 17065: 2013 để đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật chỉ định chứng nhận hợp quy mặt hàng phân bón.
4.3. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)
Triển khai thực hiện hải quan số theo Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chínhTrong tháng, Tổng cục Hải quan tiến hành: thẩm định Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số; rà soát, hoàn thiện các yêu cầu bài toán nghiệp vụ xây dựng hệ thống hải quan thông minh; hoàn thiện lại hồ sơ đề xuất cấp độ theo ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Họp trực tuyến giới thiệu một số quy trình cơ bản trước khi triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống hải quan thông minh trong toàn ngành.
Về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đó từ ngày 01/7/2021, Tổng cục Hải quan đã triển khai, cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 22 TTHC mới. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 DVCTT mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số TTHC do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 209 TTHC đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả theo hình thức trực tuyến..
4.4. Công tác kiểm tra, giám sát hải quan
Trong tháng 7/2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai công tác xây dựng bài toán nghiệp vụ về Hệ thống hải quan thông minh; Chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh và triển khai các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cụ thể:
Tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu: Ngày 24/06/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 3213/TCHQ-GSQL gửi Cơ quan quản lý CITES đề nghị xác định các loài cá tầm nhập khẩu để có cở sở giải quyết các thủ tục tiếp theo cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với hành vi nhập khẩu cá tầm không đúng với khai báo và tên ghi trên Giấy phép CITES của các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm trong thời gian qua.
Về quản lý xuất xứ và sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Thực hiện phân tích, xác định rủi ro đối với một số nhóm mặt hàng để chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện C/O mẫu D trên cơ sở kết quả Phiên họp Tiểu ban quy tắc xuất xứ lần thứ 36 thực thi Hiệp định ATIGA về sự khác biệt mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với đăng ký trên cơ sở dữ liệu tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN.
Về công tác soi chiếu: Chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện vướng mắc trong công tác kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container. Theo đó, giao Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn người khai hải quan truy cập Website của Tổng cục Hải quan tra cứu thông tin lô hàng khai báo có thuộc đối tượng soi chiếu hay không, để chủ động xuất trình hàng hóa cho Cơ quan Hải quan kiểm tra theo quy định hiện hành.
Về công tác quản lý, sử dụng seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa chịu sự giám sát hải quan: Với số lượng 2.000 seal định vị điện tử đã trang bị, triển khai tại 14 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển chịu sự giám sát hải quan đã được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi đến Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến.
Về công tác quản lý kho, bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ chủ trương cho phép gia hạn hàng gửi Kho ngoại quan và hàng nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế vì quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam.

Tác giả bài viết: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,344
  • Hôm nay331,986
  • Tháng hiện tại7,302,940
  • Tổng lượt truy cập393,845,993
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây