Lao động gặp tai nạn trên đường đi làm có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?

Thứ ba - 09/04/2024 14:41 222
    Hiện nay, một số doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xác định và giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động khi đang di chuyển trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về. Để rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp cần nắm rõ một số quy định như sau:
    Căn cứ vào Khoản 1 của Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.
    b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.
     c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
    Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, khi có tai nạn lao động, doanh nghiệp phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở khi có tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người. Trường hợp xảy ra tai nạn làm chết người hoặc làm từ 02 người bị tai nạn nặng trở lên thì báo cáo ngay về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra và lập biên bản xác minh tai nạn lao động. Trong trường hợp tai nạn lao động có tính chất nghiêm trọng hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương sẽ tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
    * Trường hợp được Đoàn điều tra kết luận là tai nạn lao động:
    - Trách nhiệm người sử dụng lao động như sau:
    Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:
    (1) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:
    Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
    Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%.
    Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
    (2) Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
    (3) Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
    Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
    Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết;
    (4) Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính mình gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% các mức nêu trên ứng với mức suy giảm khả năng lao động;
    (5) Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
    - Chế độ của người bị tai nạn được hưởng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp:
   Căn cứ theo Mục 3 của Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động bị tai nạn lao động mà giải quyết chế độ như sau:
    - Trợ cấp 1 lần (suy giảm từ 5% đến 30%): Suy giảm 5% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
    - Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
    - Trợ cấp hàng tháng (suy giảm từ 31% trở lên): Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
    - Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
    - Trợ cấp phục vụ (suy giảm từ 81% trở lên mà bị ti liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt 2 chi hoặc bị tâm thần)
    - Ngoài mức hưởng quy định trợ cấp hàng tháng thì người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
    - Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị: Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
   - Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.
   - Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình: Ngoài các khoản trợ cấp bằng tiền, người lao động bị tai nạn lao động mà tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình tùy theo tình trạng thương tật.
    * Trường hợp được kết luận là không phải là tai nạn lao động:
    Trường hợp bị tai nạn không thuộc các trường hợp xét bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đoàn kiểm tra kết luận là không phải tai nạn lao động sẽ không được hưởng các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
    Nếu do tai nạn phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế thì được giải quyết hưởng chế độ ốm đau (theo quy định tại Khoản 1 của Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
VĂN DŨNG


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,105
  • Hôm nay74,517
  • Tháng hiện tại74,517
  • Tổng lượt truy cập386,617,570
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Bqlkkt_phong chong covid
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây