TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC - ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP SỬ DỤNG THỐNG NHẤT, HIỆU QUẢ NGÔN NGỮ S’TIÊNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG S’TIÊNG TRÊN SÓNG PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH PHƯỚC

Thứ tư - 07/04/2021 09:33 1710
         Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4496/UBND-KGVX ngày 07/12/2020 về việc tổ chức Hội thảo khoa học sử dụng tiếng S’tiêng và Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2021 của Ban Dân tộc, sáng ngày 31/3/2021, Ban Dân tộc đã phối hợp với Đài PTTH&BBP tổ chức Hội thảo khoa học “Đề xuất giải pháp sử dụng thống nhất, hiệu quả ngôn ngữ S’tiêng trong Chương trình tiếng S’tiêng trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Phước”.
Quang cảnh hội thảo
          Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, giảng viên Trường Đại học Tây nguyên; Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND và Cơ quan công tác dân tộc, Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; đại biểu người có uy tín, già làng, trí thức dân tộc S’tiêng   và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh. ThS. Lý Trọng Nhân - Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc và TS. Nguyễn Thị Minh Nhâm – TUV, Giám đốc, Tổng biên tập Đài PTTH&BBP đồng chủ trì Hội thảo.
 
Ths. Lý Trọng Nhân - Trưởng Ban Dân tộc
và TS. Nguyễn Thị Minh Nhâm - TUV, Giám đốc, Tổng biên tập
Đài PTTH&BBP đồng chủ trì hội thảo
 
        Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Thị Minh Nhâm – TUV, Giám đốc, Tổng biên tập Đài PTTH&BBP nêu lên thực trạng Chương trình tiếng dân tộc S’tiêng trên sóng Phát thanh, truyền hình Bình Phước. Do đồng bào S’tiêng ở Bình Phước được phân định ở hai vùng thấp (Bù Dek) và vùng cao (Bù Lơ), ngôn ngữ dân tộc theo hai nhánh này có phần khác nhau. Chữ viết chưa được thống nhất và lại chưa được đưa vào giảng dạy ở các cấp bậc học. Đội ngũ những người thực hiện phát thanh, truyền hình tiếng S’tiêng chưa được đào tạo căn cơ, chính quy, đó là chưa kể đến trang thiết bị, phương tiện phục vụ chương trình, chế độ chính sách cho những người thực hiện chương trình tiếng dân tộc gặp nhiều khó khăn. Thông qua hội thảo này, đồng chí mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, trí thức dân tộc S’tiêng trao đổi, thảo luận: Thực trạng Chương trình tiếng S’tiêng trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh, thuận lợi, khó khăn, nguồn nhân lực làm phát thanh, truyền hình tiếng S’tiêng; Việc sử dụng tiếng, chữ S’tiêng và giải pháp, tiến độ triển khai thực hiện Chương trình dạy tiếng S’tiêng trên địa bàn tỉnh; Giải pháp dạy tiếng S’tiêng cho CBCCVC, đồng bào DTTS; Kiến nghị, đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra để sử dụng thống nhất, hiệu quả ngôn ngữ S’tiêng trong chương trình tiếng S’tiêng trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh.
TS. Nguyễn Thị Minh Nhâm – Giám đốc, Tổng biên tập Đài PTTH & BBP
 báo cáo đề dẫn và khai mạc hội thảo
 
           Phát biểu với Hội thảo, TS. Lý Tùng Hiếu – Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM đã trình bày tổng quan về sự thống nhất và khác biệt giữa 2 phương ngữ của người S’tiêng. Đưa ra 4 tiêu chí lựa chọn ngôn ngữ và đề ra 5 phương án lựa chọn phương ngữ chuẩn hoặc chuyển ngữ cho ngôn ngữ đa phương ngữ. Đề xuất thành lập 1 ban/ nhóm cố vấn tiếng dân tộc S’tiêng cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.
 
TS. Lý Tùng Hiếu – Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM phát biểu tham luận
 
         Trong phần trình bày của mình, PGS, TS. Buôn Krông Tuyết Nhung – Trường Đại học Tây Nguyên đã phân tích thực trạng phát thanh và Truyền hình bằng tiếng DTTS ở Đài PTTH tỉnh trong thời gian qua; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn việc sử dụng phương ngữ tiếng S’tiêng trong chương trình phát thanh truyền hình; xác định phương ngữ phổ thông theo nhánh tộc người S’tiêng; sự lựa chọn phương ngữ S’tiêng qua các nghiên cứu. Đề xuất “Thống nhất lựa chọn phương ngữ và xác định phương ngữ vùng lõi (phương ngữ Bù Lơ) và căn cứ phương diện đặc điểm dân cư văn hóa và cả chính trị để lựa chọn cho phù hợp”. Song cần đảm bảo tính toàn dân, phù hợp với tâm lý, văn hóa tộc người và cần nhận được sự đồng thuận trong cộng đồng các địa phương.
 
PGS, TS. Buôn Krông Tuyết Nhung – Trường Đại học Tây Nguyên
trình bày tham luận

       Phát biểu tại hội thảo, ThS. Điểu Điều – Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình bày hệ thống các chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ DTTS; Khái quát các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc S’tiêng, công tác dạy học tiếng S’tiêng trước kia và hiện nay; Những ý tưởng để hình thành tiếng dân tộc S’tiêng trên chương trình phát thanh, truyền hình và những vấn đề tồn tại. Đề ra các tiêu chí xác định phương ngữ làm ngôn ngữ S’tiêng phổ thông. Đề xuất phương án lựa chọn phương ngữ S’tiêng Bù Lơ làm phương ngữ phổ thông và bổ sung âm, ngữ, từ vựng của những phương ngữ chính khác để hình thành chuyển ngữ chung.
 
 
ThS. Điểu Điều – Trưởng Ban Dân tộc HĐND phát biểu
 
      Th.S. Phạm Hữu Hiến – PGĐ Bảo tàng tỉnh phân tích nguyên nhân hạn chế của Chương trình tiếng S’tiêng trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh. Đề xuất giải pháp sử dụng đa ngôn ngữ trong quá trình phát thanh, truyền hình - có giải thích những từ khác biệt giữa các nhóm; Sử dụng nhiều phát thanh viên ở các nhóm khác nhau và đề xuất triển khai chương trình dạy tiếng S’tiêng trong trường học.

ThS. Phạm Hữu Hiến – PGĐ Bảo tàng tỉnh phát biểu
 
         Chuyên viên cao cấp  Huỳnh Thanh – Nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đưa ra những đánh giá về công tác quản lý, nghiên cứu ngôn ngữ, xây dựng từ điển tiếng dân tộc S’tiêng trước và sau năm năm 1975. Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng truyền tải thông tin bằng tiếng S’tiêng trên Đài PTTH tỉnh thông qua việc nâng cao chất lượng các hình thức thông tin đại chúng: Sử dụng thống nhất ngôn ngữ; những từ nào chưa thống nhất thì trước mắt phát âm cả 2 từ (chú giải); dành thời lượng 30 phút dạy tiếng nói, chữ viết S’tiêng, bắt đầu từ những tiếng khác nhau giữa 2 vùng rồi mới đi dần theo sách giáo khoa (và thực hiện công tác truyền dạy qua những kênh khác). Các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ già làng, người có uy tín cần tăng cường tuyên truyền để đồng bào thấy được sự cần thiết, ý thức học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Thành lập “Ban chỉ đạo xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết S’tiêng” các cấp; thực hiện biên soạn chương trình, giáo trình, giảng giạy và học tập tiếng nói, chữ viết S’tiêng; Có chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên dạy tiếng S’tiêng.


Nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Huỳnh Thanh chuyên viên Cao cấp
đánh giá cao các giải pháp được đưa ra tại hội thảo
 
         Trong phần phát biểu của mình, ông Điểu Hơn – Nguyên Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, trí thức tiêu biểu người dân tộc S’tiêng đánh giá cao Chương trình tiếng dân tộc của BPTV. Về việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc S’tiêng trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh là yếu tố khách quan, song cán bộ làm bên mảng phát thanh, truyền hình cần được đào tạo, bồi dưỡng qua đó dần điều chỉnh ngôn ngữ thống nhất, phù hợp. Nhấn mạnh việc cần thiết ngôn ngữ phải thống nhất với nhau giữa các vùng, nhưng không thể làm hài lòng hết các nhóm, ngôn ngữ dân tộc S’tiêng cần thống nhất trong đa dạng, không nên quá cứng nhắc.

Ông Điểu Hơn – Nguyên Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu
 
TS Phan Anh Tú, Trường Đại học KHXHNV TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
           
        Tiến Sỹ Phan Anh Tú – Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM thì cho rằng việc lựa chọn, xác định n
gôn ngữ các dân tộc nói chung, dân tộc S’tiêng nói riêng cần phải được thống nhất trong đa dạng. Đề xuất thống nhất lựa chọn một ngôn ngữ chung (ngôn ngữ phổ thông dân tộc S’tiêng) – tức là lựa chọn một ngôn ngữ phổ biến nhất, có giải thích thêm các từ khác nhau.

          Ngoài ra, ý kiến của các trí thức, người có uy tín dân tộc S’tiêng (Điểu Thị Xia, Điểu Toàn…) và ý kiến của cán bộ làm công tác văn hóa dân tộc, cán bộ dân tộc: Tăng cường công tác giảng dạy tiếng S’tiêng và đưa Chương trình dạy học tiếng S’tiêng vào trường học; Chỉnh sửa từ điển tiếng S’tiêng; Đề nghị thống nhất tên gọi dân tộc S’tiêng…
 
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng,
Phó ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo phát biểu


Bà Điểu Thị Xia – PCT Hội CTĐ, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm Sóc Bom Bo,
huyện Bù Đăng phát biểu


ThS. Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc phát biểu kết luận hội thảo

Lãnh đạo Ban Dân tộc và Đài PTTH&BBP chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu
 
          Kết luận hội thảo, ThS. Lý Trọng Nhân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đồng chủ trì hội thảo trân trọng cảm ơn các  ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và trí thức người dân tộc S’tiêng và kết luận như sau:
         1. Các đề xuất, giải pháp còn có những khác nhau, tuy nhiên đều thống nhất việc sử dụng tiếng S’tiêng phải thống nhất trong đa dạng và có sự đồng thuận của các nhóm dân tộc S’tiêng, đây cũng là nguyên tắc, chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta “Bình đẳng giữa các dân tộc”.
          2. Trên cơ sở hội thảo này, Ban Dân tộc và Đài PTTH&BBP phối hợp thống nhất đề xuất Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh giải pháp sử dụng hiệu quả tiếng S’tiêng.
         3. Đề nghị các Sở, ban, ngành: Đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban biên soạn, chỉnh sửa tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S’tiêng, có sự tham gia của các Nhà khoa học, trí thức DTTS S’tiêng ở các vùng; Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT sớm phê duyệt chương trình giảng dạy tiếng S’tiêng cho học sinh tiểu học; Các sở, ngành chủ trì và phối hợp với Ban Dân tộc triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt nhiệm vụ của Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành trong việc biên soạn, chỉnh sửa tài liệu bỗi dưỡng tiếng dân tộc S’tiêng; Phối hợp với Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh tên gọi dân tộc tại Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ ngày 02/3/1979 của Tổng cục Thống kê: X’tiêng thành S’tiêng.
            Hội thảo kết thúc tốt đẹp trong buổi trưa cùng ngày./.
                                                                                                                                                                           

 
 
 



 
 




 
 

Tác giả bài viết:  Lý Trọng Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập875
  • Hôm nay188,472
  • Tháng hiện tại4,070,566
  • Tổng lượt truy cập390,613,619
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây