Kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Phước năm 2018

Thứ hai - 24/09/2018 09:21 2507
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Phước, với mục đích thông qua công tác kiểm tra để nắm bắt, đánh giá thực trạng, tình hình hoạt động và kết quả thực hiện phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/ TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Phước, với mục đích thông qua công tác kiểm tra để nắm bắt, đánh giá thực trạng, tình hình hoạt động và kết quả thực hiện phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/ TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; từ đó tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, rút kinh nghiệm thực tiễn, đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp, góp phần đẩy mạnh hiệu quả phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý giữa các cơ quan tố tụng với nhau và với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, nâng cao số lượng người được Trợ giúp pháp lý do các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh giới thiệu, đăng ký với Trung tâm theo Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 11.
Trong tháng tám và tháng chín năm 2018, Đoàn Kiểm tra Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng do ông Nguyễn Trọng Trí-Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước- Phó Chủ tịch HĐPHLN làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại ba cơ quan gồm: Cơ quan điều tra thuộc Công an huyện Bù Đăng, Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập và Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long theo Kế hoạch số 45/KH-HĐPHLN của Hội đồng phối hợp liên ngành về kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 11 tại một số cơ quan tiến hành tố tụng.
Năm nay, Đoàn kiểm tra các cơ quan tố tụng được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của các thành viên Hội đồng, trong đó có ông Phan Văn Phong-Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, ông Lê Viết Phong-Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, ông Phạm Đình Tiệm-Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các thành viên Tổ Thư ký giúp việc cho Hội đồng là các ông, bà là các Trưởng, phó phòng, đơn vị thuộc các cơ quan: Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Phước, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài chính và một số Trợ giúp viên phụ trách địa bàn cấp huyện được kiểm tra tham gia Đoàn công tác.
 Kết quả kiểm tra tại ba đơn vị cho thấy, hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được giao theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11. Cụ thể là công tác phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Thông tư liên tịch số 11 trong cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị được quan tâm thực hiện; niêm yết công khai, rõ ràng các Bảng thông tin pháp luật về trợ giúp pháp lý tại các vị trí dễ dàng cho người dân tiếp cận, tìm hiểu; Việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý; việc gửi lịch xét xử...trong trường hợp có Trợ giúp viên pháp lý tham gia…đều được các cơ quan tố tụng phối hợp thực hiện rất tốt.

 
KT Liennganh (2)
(Đ/c Nguyễn Trọng Đại-Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tiếp, làm việc với Đ/c Nguyễn Trọng Trí-Phó Giám đốc Sở Tư pháp-Trưởng đoàn kiểm tra HĐPHLN cùng các thành viên tại Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập ngày 24/8/2018 theo Kế hoạch số 45/KH-HĐPHLN)
Tại buổi làm việc tại cơ quan điều tra Công an huyện Bù Đăng, ông Lê Viết Phong-Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, với vai trò thành viên đại diện ngành Tòa án, đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Đăng và các cơ quan tố tụng nói chung cần “tập trung phân tích các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các ngành thành viên, nhất là về trình tự, thủ tục, các loại giấy tờ chứng minh người thuộc đối tượng được hưởng Trợ giúp pháp lý...,việc giải thích quyền được Trợ giúp pháp lý cần ghi rõ vào biên bản vì mặc dù theo quy định thì việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý phải được ghi vào biên bản, nhưng quá trình kiểm tra tại các cơ quan tố tụng cho thấy đa số cán bộ trực tiếp giải thích chỉ giải thích bằng miệng, không thể hiện rõ trong văn bản, không có tài liệu kiểm chứng” ông cũng đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý “cung cấp kịp thời danh sách các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Trung ương và danh sách các đối tượng được hưởng được hưởng trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017 cho các cơ quan tố tụng cấp huyện nắm rõ, niêm yết công khai, rộng rãi tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận, liên hệ khi có yêu cầu”.
 
KT Liennganh (3)
(Đ/c Bùi Trung Kiên-Phó Chánh Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh-Thành viên Đoàn Kiểm tra, giải thích trách nhiệm ghi vào biên bản giải thích quyền được Trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng  hình sự năm 2015)
(Đ/c Huỳnh Tấn Thành-Phó Trưởng Công an huyện Bù Đăng tiếp, làm việc với Đoàn Kiểm tra làm việc tại Công an huyện Bù Đăng ngày 14/8/2018)
Trong buổi làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long, ông Nguyễn Trọng Trí-Trưởng đoàn kiểm tra đã ghi nhận, biểu dương các kết quả mà đơn vị đã đạt được. Đặc biệt là việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý, công tác giải thích được các cơ quan tố tụng thị xã Bình Long quan tâm, thực hiện tốt hơn so với các năm trước đây, trong đó Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long là đơn vị tiêu biểu, điển hình trong việc thực hiện rất tốt công tác này, việc giải thích được đơn vị ghi nhận rõ thành biên bản riêng, ngoài ra còn thể hiện trong các biên bản làm việc của Kiểm sát viên với đương sự. Ông cho rằng “đây là một điểm sáng đáng được ghi nhận, biểu dương của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo Thông tư liên tịch số 11, cần được phát huy, nhân rộng hơn nữa...”.
Cũng trog quá trình làm việc, với vai trò là thành viên Hội đồng, đại diện ngành Kiểm sát, ông Phan Văn Phong-Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chủ động phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, theo ông “Việc kiểm tra là nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, theo báo cáo thì số lượng người được phổ biến, giải thích quyền được hưởng trợ giúp pháp lý là khá lớn, khoảng hơn hai trăm trường hợp ở mỗi đơn vị kiểm tra, nhưng số lượng vụ việc, đối tượng được giới thiệu đến Trung tâm và có sự tham gia của Trợ giúp còn rất ít, chưa được 10 vụ trên năm, như vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là các cơ quan, ban ngành và mỗi cán bộ trong quá trình hoạt động nghiệp vụ cần chủ động tăng cường hơn nữa công tác phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý, đặc biệt là quyền được Trợ giúp pháp lý miễn phí của người thuộc đối tượng được hưởng, còn các Trợ giúp viên pháp lý cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham gia tố tụng, tạo uy tín cho lực lượng “Luật sư công”, sao cho ngày càng nhiều người dân thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu việt này...”
KT Liennganh (4)
(Đ/c Nguyễn Trọng Trí-Phó Giám đốc Sở Tư pháp-Trưởng Đoàn Kiểm tra làm việc với Đ/c Huỳnh Văn Ngọc-Viện trưởng VKSND thị xã Bình Long và Đ/c Phạm Ngọc Hải-Viện phó VKSND thị xã Bình Long tại buổi kiểm tra ngày 04/9/2018)
KT Liennganh (5)
 (Đ/C Phan Văn Phong-Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi làm việc với Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long)
Các buổi kiểm tra đã được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng. Ngoài các ý kiến trao đổi thẳng thắn của đại diện lãnh đạo các cơ quan tố tụng, đại diện các thành viên và tổ giúp việc của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh cũng đã trao đổi, làm rõ thêm những kết quả, tồn tại, hạn chế về trợ giúp pháp lý hoạt động tố tụng toàn tỉnh, chủ yếu xoay quanh các vấn đề: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về chính sách trợ giúp lý, Luật trợ giúp pháp lý chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân; số lượng người được trợ giúp pháp lý ở các cơ quan được kiểm tra nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung còn rất ít so với ước lượng thống kê số lượng người thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý mà không có yêu cầu được trợ giúp; Đội ngũ Trợ giúp viên mặc dù có tâm huyết với nghề và ngày càng được đào tạo bài bản, chuẩn hóa trình độ nghiệp vụ nhưng chưa nâng cao được uy tín trong hoạt động trợ giúp pháp lý, chưa tạo được “thương hiệu”, tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm, củng cố niềm tin của người dân để họ tìm đến với Trợ giúp viên pháp lý với vai trò của một “Luật sư công” để bảo vệ quyền lợi cho họ trong các vụ việc cụ thể. Trong mỗi buổi kiểm tra, ông Phạm Đình Tiệm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đều dành thời gian giới thiệu một số điểm mới cơ bản về đối tượng được trợ giúp pháp lý, cách thức, người được thực hiện việc đăng ký trợ giúp pháp lý (có thể là các cơ quan tố tụng đăng ký thay cho người được hưỡng trợ giúp pháp lý, không gói gọn là người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý tự đăng ký  như trước đây)...đến các đơn vị được kiểm tra để nắm rõ thêm và triển khai thực hiện.
Quá trình làm việc, Đoàn Kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế của một số cơ quan tố tụng trong việc thực hiện các nội dung quy định trong Thông tư liên tịch số 11 như: việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý còn chủ yếu tập trung cho các đối tượng là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, chưa mở rộng cho các đối tượng khác như người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực dân sự, lao động, hành chính, hôn nhân gia đình...; một số cơ quan, đơn vị chưa ghi vào biên bản việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý...Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, thiếu sót để rút kinh nghiệm, đồng thời đề ra các phương hướng, giải pháp khắc phục để làm tốt hơn công tác phối hợp trong thời gian tới.
          Công tác kiểm tra tại các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành theo đúng Kế hoạch, kết thúc các buổi làm việc tại các đơn vị, Phó Chủ tịch HĐPHLN Nguyễn Trọng Trí đếu có đánh giá cụ thể trong các biên bản làm việc, ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các cơ quan trong công tác phối hợp, tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 11 và đề nghị các cơ quan tố tụng tiếp tục phát huy. Đối với các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất của các cơ quan, Phó Chủ tịch HĐPHLN đều ghi nhận và hứa sẽ tổng hợp để đưa ra thảo luận, bàn bạc thống nhất với các ngành thành viên về giải pháp khắc phục trong cuộc họp Hội đồng phối hợp liên ngành sau đợt kiểm tra. Các ngành thành viên sẽ có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh thời gian tới./.

 
 

Tác giả bài viết: Bảo Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây